Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách

Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách

(ĐTCK) Các doanh nghiệp đều đánh giá cao các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng mong muốn các cơ quan quyết liệt hơn trong việc thực hiện, nhằm sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống.

“Thị trường đang còn nhiều dư địa để phát triển”

Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách ảnh 1

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Việt Nam

Qua các số liệu nghiên cứu trong những năm gần đây chúng tôi thấy, quy mô thị trường và xu hướng thị trường đang có sự thay đổi. Mặc dù đang gặp khó khăn, nhưng trên thực tế, cầu tự nhiên về nhà ở vẫn tăng, dù chúng ta có những chính sách điều chỉnh. Ngoài ra, nếu nhìn vào quy mô dân số, tỷ lệ người dân với diện tích căn hộ, trung tâm thương mại, thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Mặt khác, nguồn cầu từ đầu tư nước ngoài, kiều hối, vốn FDI đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam , chứng tỏ cầu rất lớn. Ngay cả tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng chúng ta cũng chưa khai thác hết.

Thị trường BĐS đúng là đang khó khăn, nhưng theo khảo sát của Savills trong 2 quý gần đây, các sản phẩm có giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng vẫn có giao dịch tốt, trong đó, đa số người mua là cho nhu cầu ở thật. Đặc biệt, các dự án ở Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội) bán hàng rất tốt, thậm chí có nhiều dự án đã bán hết hàng.

 

“Các chính sách chưa đi vào cuộc sống”

Ông Lê Quốc Chính, Giám đốc Kinh doanh Dự án Deawoo Cleve

Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường BĐS rất tốt, nhưng tôi thấy, các chính sách dường như chưa đi vào cuộc sống. Chẳng hạn trong năm 2012, có tới 3 đợt giảm lãi suất, chúng tôi hy vọng sẽ bán được hàng, nhưng khi ấy lại xuất hiện vấn đề nợ xấu, khiến các điều kiện vay rất ngặt nghèo nên doanh nghiệp và khách hàng rất khó tiếp cận.

BĐS là một sản phẩm đầu tư, nên nếu chính sách không ổn định, nhà đầu tư sẽ khó tiếp tục đầu tư. Hiện có chính sách giảm lãi suất, nhưng người dân không tiếp cận được thì doanh nghiệp cũng sẽ không bán được hàng. Việc không bán được hàng sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước phải giảm mạnh giá bán để có dòng vốn. Khi đó, dù có nguồn vốn dồn dào, nhưng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng buộc phải giảm giá để tiêu thụ. Như vậy, càng tạo thêm tâm lý chờ đợi của khách hàng và cùng kéo nhau vào sự nguy hiểm.

Nhiều thành viên thị trường đang chờ đợi gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường, nhưng việc hỗ trợ chỉ tập trung cho một số đối tượng nhà xã hội, thu nhập thấp, như vậy sẽ khó giải được bài toán hàng tồn. Để đánh giá hiệu quả chương trình này và người có thu nhập thấp có nhà ở thì phải đợi 2 - 3 năm nữa, trong khi vấn đề cấp bách hiện nay của thị trường là hàng tồn kho, gắn liền với nợ xấu lại không được giải quyết, xử lý triệt để.

 

“Doanh nghiệp không thể ngồi chờ chính sách”Theo tôi, có giải quyết được khó khăn của thị trường BĐS hay không, phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách ảnh 2

Ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Đô thị Việt Hưng

Thứ nhất, cần giải quyết vấn đề nợ xấu. Nếu vấn đề nợ xấu được giả quyết, thì ngân hàng mới tiếp tục cho vay, khi đó, thị trường mới dần thoát khỏi khó khăn. Vì thế, chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác vẫn hy vọng, từ nay đến cuối năm, Nhà nước sẽ thành lập được công ty giải quyết nợ xấu.

Thứ hai, là người mua nhà có dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn hay không? Bởi hiện có rất ít người đáp ứng đủ các điều kiện để tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng, nhất là nguồn vốn giá rẻ lại càng ít. Ngoài ra, lãi suất cho vay cần phải được đưa xuống mức thấp hơn và ổn định trong nhiều năm, chứ không thể vài ba năm được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không thể ngồi chờ chính sách, mà cần phải tự xoay xở. Vì vậy, việc thị trường BĐS khó khăn như hiện nay sẽ chứng tỏ mức chuyên nghiệp và khả năng tính toán của mỗi doanh nghiệp.

Về Dự án Ecopark do Việt Hưng làm chủ đầu tư cũng không nằm ngoài quy luật của thị trường, nhưng chúng tôi không chỉ chăm chăm vào bán hàng. Trong lúc khó khăn, chúng tôi đã nỗ lực hoàn thiện để Dự án đủ điều kiện cho cư dân có thể chuyển đến sinh sống. Đấy là điều khách hàng và thị trường đã ghi nhận.

 

“Doanh nghiệp phải đưa ra mức giá phù hợp”

Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách ảnh 3

Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Vienam

Thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn. Vì thế theo tôi, các doanh nghiệp hiện nay phải làm sao đưa ra mức giá phù hợp để người dân có khả năng mua được sản phẩm. Về dài hạn, Chính phủ phải đưa ra những chính sách có thể lấy lại lòng tin của người dân mua nhà. Đặc biệt, các ngân hàng cần phải có gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để người dân có nguồn vốn mua bất động sản.

Thời gian vừa qua, tôi thấy các địa phương cũng đã có những giải pháp gỡ khó riêng của mình cho thị trường BĐS, tuy nhiên, cái chính hiện nay là Chính phủ phải đưa ra các gói hỗ trợ nhằm lấy lại niềm tin của khách hàng. Như thế, thị trường mới có thể hồi phục sau 1 - 2 năm nữa.

Là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào BĐS Việt Nam, chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài, vì có nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ. Vì thế, chúng tôi vẫn đảm bảo tiến độ xây dựng trong bối cảnh thị trường khó khăn, để đến khi thị trường hồi phục lại, chúng tôi có thể mang đến những khu đô thị xanh, mới cho Hà Nội và TP. HCM.

Hiện các chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là khá tốt. Thế nhưng, Việt Nam cũng cần có chính sách loại trừ các nhà đầu cơ, vì nhà đầu cơ luôn có rủi ro gây ra bất ổn cung cầu. Nếu loại trừ được yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tốt hơn.

 

“Sớm ‘đốt cháy’ thời gian ngắc ngoải của thị trường”

Đừng để doanh nghiệp mỏi mòn chờ chính sách ảnh 4

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Từ Liêm

Thị trường BĐS khó khăn kéo dài nên nhiều doanh nghiệp hiện chỉ mong bán hòa vốn để có công ăn việc làm. Thế nhưng, lòng tin của khách hàng không có, nên việc giảm giá để kích thích của doanh nghiệp không phải là yếu tố cơ bản để bán được hàng.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ thị trường sau khi được ban hành, các địa phương, bộ, ngành lại phải mất nhiều thời gian nghiên cứu mới ban hành văn bản hướng dẫn khiến nhiều chính sách đi vào thực tế rất chậm. Vì thế, doanh nghiệp rất mong các cơ quan, bộ, ngành cần quyết liệt thực hiện để đưa các chính sách vào cuộc sống sớm hơn, thay vì bắt thị trường, doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu.

Do thị trường quá khó khăn, không bán được hàng, nên sản lượng sản xuất  - kinh doanh của các doanh nghiệp đang giảm đến mức báo động. Nếu cứ tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, người mua BĐS sẽ bị thiệt thòi và ngày càng sợ hãi BĐS.

Các giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS theo tôi là rất tốt, nhưng Chính phủ cũng cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để “đốt cháy” thời gian ngắc ngoải của thị trường. Vì càng làm chậm, tâm lý chờ đợi càng cao, thì thị trường càng khó khăn nữa.

Ngoài các chính sách đã ban hành, về lâu dài, Nhà nước cũng cần có giải pháp tổng thể nhằm giảm giá nhà, chứ với các chính sách hiện nay, doanh nghiệp muốn giảm giá nhà là rất khó. Vì mức giá bán hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lỗ.