Được cơ cấu xong nợ, rồi thôi!

Được cơ cấu xong nợ, rồi thôi!

(ĐTCK) Được chấp thuận, ngân hàng giai đoạn từ giữa năm "ồ ạt" cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ vay trở lại. Nhưng thực tế nhiều khi không phải là kịch bản.

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, chủ trương của Ngân hàng là không hạ chuẩn tín dụng, song trong bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông, cũng cần có sự chia sẻ cùng khách hàng.

“Chúng tôi đã từng bước cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí phạt và mua lại tài sản của doanh nghiệp đắt hơn giá thị trường, nhưng bán lại với giá rẻ hơn thị trường để thu được vốn. Trung bình mỗi tuần, Eximbank giải quyết trên dưới 100 hồ sơ doanh nghiệp đang cơ cấu lại nợ. Thế nhưng, sau khi được tái cơ cấu, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn không cao”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, để có thể tăng được tín dụng, sức khỏe doanh nghiệp phải được cải thiện. Và khả năng phải đến hết năm 2014, doanh nghiệp mới hết khó khăn, vì vậy, kỳ vọng tín dụng tăng trong lúc này là không hợp lý.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho hay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay không phải là không có, nhưng tìm được khách hàng có sức khỏe tốt để trao vốn thì không đơn giản. Chủ trương tăng trưởng tín dụng của OCB trong năm nay ở vào khoảng 9%, nhưng theo ông Tuấn, tổng dư nợ tín dụng đạt được 9 tháng qua chủ yếu thuộc về phân khúc khách hàng cá nhân.

Kế hoạch ban đầu của OCB là sẽ xin nâng “room” tín dụng ngay từ giữa năm 2013, song do tình hình cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp không mấy sáng sủa và dưa địa để mở rộng tín dụng vẫn còn nên đến nay, OCB chưa xin nâng “room”.

Phó tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, trong hơn 3 quý đầu năm nay, Ngân hàng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng.

DongA Bank đã tiếp cận với từng doanh nghiệp để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để có thể sản xuất, kinh doanh… trên cơ sở đó, có nguồn thu trả được khoản nợ cũ. Nhưng, theo bà Vân, kết quả không như mong đợi.

Được cơ cấu xong nợ, rồi thôi! ảnh 1

  DongA Bank là một trong những ngân hàng đã tích cực giúp khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại nợ


Các doanh nghiệp đang đứng vững hoạt động lại muốn cắt giảm chi phí, trong đó có cả lãi vay.

Với những doanh nghiệp khó khăn, Ngân hàng cũng hỗ trợ bằng cách cắt giảm chi phí lãi vay, song doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn mới vì tài sản thế chấp đã cạn, hơn nữa vốn vay được cũng không biết để làm gì.

Đại diện MB Chi nhánh TP. HCM cũng cho biết, các doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong lúc này thì cũng thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Do đó, thay vì sử dụng vốn vay, doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn vốn tự có.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, Ngân hàng đã “xài” hết “room” tăng trưởng tín dụng NHNN cho phép ở mức 30% trong 9 tháng qua và khả năng dư nợ của NamA Bank sẽ bỏ xa ngưỡng này. Bởi theo ông Tâm, hiện NHNN không còn khống chế quá chặt đối với “room” tín dụng. Tùy vào năng lực của từng nhà băng, NHNN sẽ cho phép nâng “room”, nếu thấy cần thiết.

Tuy nhiên, quy mô của NamA Bank hiện còn khá khiêm tốn, nên dù dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức cao trong 9 tháng qua (trên 30%), song theo ông Tâm, dư nợ tuyệt đổi chỉ bằng con số của một chi nhánh ngân hàng lớn như Sacombank hay Eximbank.

Mặt khác, trong tổng dư nợ đạt được của NamA Bank, tín dụng của phân khúc khách hàng doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25 - 30%, còn lại thuộc về khối khách hàng cá nhân.

“Cùng với chiến lược đẩy mạnh tín dụng cá nhân, NamA Bank đang tập trung vào mảng tín dụng của khách hàng DNVVN, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực xuất khẩu chè, cà phê, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… với các ưu đãi về lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng, mảng tín dụng này sẽ tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Tâm nói.

Tín dụng khó tăng, song lãnh đạo các nhà băng cho biết, nợ xấu vẫn có xu hướng đi lên và chuyển biến của nhóm nợ khá phức tạp, nợ xấu từ nhóm 2, 3 xuống nhóm 4, 5 chỉ trong tích tắc. Trong khi đó, tài sản thế chấp của khách hàng chủ yếu là bất động sản, muốn xử lý để thu hồi nợ trước khi khoản nợ chuyển thành nợ xấu không dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, muốn phát mãi được tài sản thế chấp bằng bất động sản trong lúc này rất khó, thủ tục khá nhiêu khê.

Mặt khác, khi khoản nợ chuyển thành nợ xấu và hai bên không thể thỏa thuận được phải đem ra tòa thì phía khách hàng lại không đồng ý giảm giá bán theo giá thị trường hiện tại.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu các tài sản thế chấp khi đem phát mãi được điều chỉnh xuống mức thấp hơn chút xíu so với giá thị trường, chắc chắn sẽ có người mua.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, cả khách hàng và ngân hàng không chấp nhận giảm giá, kể cả khi thị trường bất động sản đang đóng băng. Tài sản phát mãi khó xử lý, nợ xấu sẽ tăng.

Cũng theo TS Lịch, trong bối cảnh thị trường hiện nay, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và cũng không nhất thiết phải đạt được bằng mọi giá mà quan trọng hơn vẫn là kiểm soát nợ xấu. Khi nợ xấu được xử lý, tín dụng sẽ tăng.