Dược Việt Nam (DVN) dự kiến lãi năm 2023 lên tới 334,52 tỷ đồng, tăng 153,61%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (mã DVN – UPCoM) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 30/6.

Cụ thể, trong năm 2023, Dược Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 5.917,8 tỷ đồng, tăng 4,34% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 334,52 tỷ đồng, tăng 153,61% so với thực hiện trong năm 2022.

Dược Việt Nam lên kế hoạch tăng trưởng năm 2023
Dược Việt Nam lên kế hoạch tăng trưởng năm 2023

Dược Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh thu ngành dược Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD). Sau đại dịch, các khía cạnh của nền kinh tế dần ổn định trở lại, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược do khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung quốc.

Quá trình mở cửa chậm chạp của Trung Quốc khiến tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các Công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn. Các doanh nghiệp dược phẩm lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục định hướng theo đuổi mục tiêu đạt chuẩn EU GMP cho cá cơ sở sản xuất.

Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này, đồng thời giảm áp lực cạnh tranh.

Dược Việt Nam cho biết, Công ty có chiến lược dự kiến tập trung cho giai đoạn “bình thường” hậu đại dịch, bao gồm nghiên cứu sản phẩm thuốc mới, phát triển sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đào tạo nhân lực chất lượng cao; đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc tiêu chuẩn quốc tế.

Về cổ tức, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5%.

Dược Việt Nam chuyển từ Bộ Y tế sang SCIC

Một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 2/6/2023, Tổng công Ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP từ Bộ Y tế sang SCIC.

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Vinapharm được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2023 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC.

Vinapharm có tổng vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 1.540 tỷ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ. Vinapharm kinh doanh các lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh; Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược…

Theo lãnh đạo SCIC, sau khi tiếp nhận chuyển giao, với vai trò cổ đông, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước.

Được biết, SCIC đã từng tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp, tái cơ cấu và thoái vốn. Trong danh mục hiện nay có 3 doanh nghiệp ngành dược lớn nằm trong top 10 tại thị trường Việt Nam. Sau khi tiếp nhận Vinapharm, SCIC sẽ xây dựng đề án để tối ưu hoá sản xuất, quản trị, kinh doanh và thúc đẩy chia sẻ trong danh mục ngành dược của SCIC.

Theo lãnh đạo SCIC, với nguồn lực tài chính sẵn có, kinh nghiệm quản trị cùng với nhiều đối tác nước ngoài, SCIC sẵn sàng đầu tư mở rộng nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Với tư cách là cổ đông đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp với các cổ đông khác để nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và một số nước trong khu vực để có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu DVN giảm nhẹ 200 đồng về 19.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan