Từ tháng 6/2023, SCIC là cổ đông nắm 65% cổ phần tại Dược Việt Nam.

Từ tháng 6/2023, SCIC là cổ đông nắm 65% cổ phần tại Dược Việt Nam.

Dược Việt Nam (DVN): Kỳ vọng "lột xác"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hậu chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước từ Bộ Y tế sang SCIC, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharma, mã DVN) được kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tích cực.

Top 5 doanh thu ngành dược, lợi nhuận khiêm tốn

Dược Việt Nam được biết tới là doanh nghiệp đầu ngành dược, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm: sản xuất thuốc; đầu tư tài chính; phân phối thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế; nghiên cứu tương đương sinh học.

Tổng công ty là công ty mẹ của CPC1, Codupha, Dược Trung ương 3, Phabarco và có hàng loạt công ty liên doanh, liên kết, trong đó nổi bật là Sanofi-Synthelabo, Dược phẩm OPC, Imexpharm, DP3, Danapha, Mekophar, Sanofi Việt Nam… Đây là các doanh nghiệp có năng lực tài chính, mạng lưới phân phối rộng khắp và nhà máy sản xuất GMP với công nghệ hiện đại.

Dược Việt Nam cũng là 1 trong 3 đơn vị được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học.

Tổng công ty thường nằm trong Top 5 công ty ngành dược về doanh thu, bên cạnh Dược Hậu Giang (mã DHG), Traphaco (mã TRA), Y dược phẩm Vimedimex (mã VMD) và Dược phẩm Trung ương Coduphar (mã CDP). Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Tổng công ty lại thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nhóm này. Nếu Traphaco có biên lợi nhuận gộp 56,5% thì biên lợi nhuận gộp của Dược Việt Nam qua các năm đều dưới 10%.

Giai đoạn 2018 - 2021, lợi nhuận của Tổng công ty duy trì ở mức trên 200 tỷ đồng, năm 2022 giảm xuống chỉ còn 110 tỷ đồng. Quy mô lợi nhuận nhiều năm của Dược Việt Nam chỉ tương đương khoảng 1/3 lợi nhuận của Dược Hậu Giang, thậm chí năm 2022 chỉ tương đương 1/9, trong khi quy mô vốn điều lệ lại cao gần gấp đôi.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Dược Việt Nam cho biết, trong khi năm 2022, toàn ngành ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 11% so với năm 2021, thì báo cáo tài chính tổng hợp của Tổng công ty cho thấy tổng doanh thu giảm 36%, lợi nhuận sau thuế giảm 88,7%. Lý do chính là doanh thu hoạt động tài chính giảm, do một số công ty thành viên thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Năm 2022, do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của một số đơn vị thành viên giảm sâu, Dược Việt Nam phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là 91,7 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý II/2023, Dược Việt Nam có 880,4 tỷ đồng đầu tư vào 8 công ty liên kết và 862,7 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào 19 đơn vị khác. Trong số này, có một số công ty đang niêm yết/giao dịch trên sàn chứng khoán, bao gồm Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (mã TW3), Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (mã OPC), Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (mã VMD), Công ty cổ phần Imexpharm (mã IMP)… Tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn là 1.657,4 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, trước ý kiến về việc kết quả kinh doanh chưa tương xứng với thương hiệu Vinapharm, lãnh đạo Dược Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Ban lãnh đạo sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp dược ngoài danh mục các đơn vị thành viên hiện tại để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn và tận dụng các cơ hội đầu tư tốt trên thị trường.

Kỳ vọng “lột xác” khi về với SCIC

Từ đầu tháng 6/2023, quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Dược Việt Nam được chuyển giao từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, SCIC trở thành cổ đông nắm giữ 65% vốn tại Dược Việt Nam.

Trước đó, các cổ đông lớn khác lần lượt rút lui khỏi Dược Việt Nam. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương - doanh nghiệp mua cổ phần từ đợt IPO đã bán ra toàn bộ 40,29 triệu cổ phần vào tháng 4/2022. Quỹ đầu tư cơ hội PVI và Quỹ đầu tư hạ tầng PVI - đơn vị “thế chân” Việt Phương, nắm giữ tổng cộng 43 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 18,14% vốn điều lệ Dược Việt Nam cũng bán ra phần lớn số cổ phần này, tính đến cuối tháng 6/2023.

Tại lễ tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại Dược Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC khẳng định, SCIC đã từng tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp, tái cơ cấu và thoái vốn. Trong danh mục hiện nay, có 3 doanh nghiệp ngành dược lớn nằm trong Top 10 tại thị trường Việt Nam. Sau khi tiếp nhận Vinapharm, SCIC sẽ xây dựng đề án để tối ưu hoá sản xuất, quản trị, kinh doanh và thúc đẩy chia sẻ trong danh mục ngành dược của SCIC.

Với nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản trị cùng với nhiều đối tác nước ngoài, SCIC sẵn sàng đầu tư mở rộng nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Với tư cách là cổ đông đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp với các cổ đông khác để nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và một số nước trong khu vực để có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

“SCIC sẽ thực hiện các nhiệm vụ của một cổ đông, trước mắt sẽ tổ chức đại hội cổ đông theo quy định của pháp luật, bao gồm các vấn đề sản xuất - kinh doanh, tái cơ cấu, nhân sự, chiến lược. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề còn tồn tại, đồng hành cùng Vinapharm để giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Thành nói.

Tại đại hội cổ đông thường niên, tổ chức cuối tháng 6, Dược Việt Nam đã trình cổ đông thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty, Quy chế nội bộ về quản trị công ty và Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị.

Năm 2023, Tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 276,8 tỷ đồng và 211,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 58% và 668% so với mức thực hiện trong năm 2022.

Kế hoạch tăng trưởng đột biến của Dược Việt Nam dựa trên cơ sở doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu từ cổ tức tăng 80,9 tỷ đồng so với 2022, do một số công ty chi trả cổ tức bằng tiền trong năm 2023 cao hơn so với năm trước như Công ty cổ phần Sanofi Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, Công ty cổ phần Dược Trung ương Vidipha, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC… Bên cạnh đó, doanh thu từ tiền lãi gửi ngân hàng tăng 13,3 tỷ đồng so với năm 2022.

Đáng chú ý, kế hoạch doanh thu này chưa bao gồm khoản thu nhập khác tới từ việc chuyển nhượng 37 nhãn hiệu của Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam (giá trị 75,4 tỷ đồng), do Sanofi cần thực hiện các thủ tục liên quan tới sở hữu trí tuệ và khó có thể hoàn tất trong năm 2023.

Nửa đầu năm, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 2.565,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 279,9 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần cùng kỳ.

Tin bài liên quan