Duy trì vị thế điểm đến an toàn, hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn ngoại

Duy trì vị thế điểm đến an toàn, hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu có nhiều biến động mới.

Ngày 15/5/2023, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, thu hút sự quan tâm và tham dự đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại diện các tổ chức và hiệp hội quốc tế, cùng các doanh nhân-nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO, có đến 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN.

Hay các nhà đầu tư châu Âu, họ xếp Việt Nam trong Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.

"Như vậy, Việt Nam đã và vẫn luôn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Tuy nhiên, bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu có nhiều thay đổi, đặt ra các vấn đề mới phát sinh. Đáng chú ý là từ năm 2024, một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15%, nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại.

“Gần đây, chúng tôi còn nhận thấy, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung chia sẻ.

Theo đó, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể; cũng như xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư…

Một nội dung quan trọng tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” là những trao đổi, chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm thiết thực giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, cùng đại diện các hiệp hội và các doanh nhân - nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực từ khía cạnh vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, cho tới các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa, xuất khẩu, thị trường, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, lao động, lan tỏa chuỗi giá trị toàn cầu…

Trong đó, có đại diện các nhà đầu tư và doanh nghiệp như Samsung Việt Nam, AEON Việt Nam, Ngân hàng UOB, VPBank, lãnh đạo các doanh nghiệp từ ngân hàng HSBC, Công ty BĐS Frasers Property Vietnam, DKSH, Nestlé, Hoiana Resort & Golf, và Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG)…

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhấn mạnh, theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo suy giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao.

“Những kinh nghiệm hay, những ý tưởng, giải pháp từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ hữu ích để sự cộng hưởng đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài – một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam – và các thành phần kinh tế khác tiếp tục phát huy sức mạnh, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng, phát triển bền vững của đất nước. Đó cũng là lý do Báo Đầu tư chọn chủ đề chủ đề “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” cho cuộc hội thảo này”, ông Minh cho biết.

Tin bài liên quan