EU ký thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan khi lo ngại về nguồn cung bất ổn từ Nga gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) EU sẽ ký một thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan khi các quan chức đang cố gắng đảm bảo nguồn cung trong tương lai trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
EU ký thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan khi lo ngại về nguồn cung bất ổn từ Nga gia tăng

Các quan chức châu Âu đã chuẩn bị cho việc cấm vận hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Trong nhiều năm, Nga là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của châu Âu, nhưng hiện tại Brussels đã có một nỗ lực chắc chắn để đảo ngược điều này.

Nga đã bác bỏ thông tin rằng họ đang sử dụng khí đốt làm vũ khí chống lại phương Tây, tuy nhiên nguồn cung từ Nga đã giảm hơn 60% trong những tuần gần đây. Ngoài ra, việc đóng đường ống Nord Stream 1 - một điểm trung chuyển khí đốt quan trọng của Nga tới Đức và hơn thế nữa - để bảo trì đã làm gia tăng thêm lo ngại rằng Moscow có thể sẽ chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt cho cả khối.

“Chúng ta có thể mong đợi một cam kết tăng khối lượng đáng kể trong những năm tới”, một quan chức EU cho biết về một thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Giám đốc năng lượng của châu Âu Kadri Simson đã đến thăm Azerbaijan hôm thứ Hai (18/7) để hoàn tất thỏa thuận.

“Trong bối cảnh Nga tiếp tục vũ khí hóa các nguồn cung cấp năng lượng của mình, việc đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu của EU”, Ủy ban Châu Âu cho biết.

Azerbaijan có biên giới với Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Nga, Iran và Biển Caspi, bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu thông qua Đường ống xuyên Adriatic vào cuối năm 2020. Vào thời điểm đó, Azerbaijan cho biết, họ có kế hoạch vận chuyển 10 tỷ mét khối khí đốt đến châu Âu hàng năm, chủ yếu đến Ý, nhưng cũng đến Hy Lạp và Bulgaria.

Vào tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lưu ý rằng Azerbaijan có thể đóng một vai trò nào đó khi châu Âu tìm cách giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

IEA cho biết: “Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, sản xuất trong EU và nhập khẩu đường ống không phải của Nga, bao gồm từ Azerbaijan và Na Uy, có thể tăng lên đến 10 tỷ mét khối trong năm tới từ năm 2021”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của Azerbaijan với tư cách là nhà cung cấp.

“Cần phải lưu ý rằng tuyến đường khí đốt của Azerbaijan đến châu Âu đi qua vùng ảnh hưởng của Nga”, Gubad Ibadoghlu, nhà phân tích cao cấp cho các nghiên cứu xã hội và kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Azerbaijan cho biết.

Nhưng châu Âu đang phải chạy đua với thời gian để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Nhìn chung cho đến nay, 12 quốc gia EU đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc Nga giảm xuất khẩu khí đốt và một số quốc gia khác không còn nhận được bất kỳ khí đốt nào từ Moscow.

“Không thể loại trừ các quyết định khác của Nga đối với các quốc gia hoặc các công ty tự ý cắt nguồn cung. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, chúng tôi đã biết rằng một sự gián đoạn rất nghiêm trọng là có thể xảy ra và bây giờ nó có vẻ có khả năng xảy ra”, Giám đốc năng lượng của châu Âu Kadri Simson cho biết.

Những nỗ lực của châu Âu nhằm tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga đi kèm với một cảnh báo bổ sung: đã đến lúc tiết kiệm năng lượng.

Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ đưa ra một số khuyến nghị vào thứ Tư (20/7) cho các doanh nghiệp về cách cắt giảm sử dụng năng lượng. Kế hoạch này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về một mùa Đông khó khăn trong khu vực nếu nguồn cung cấp khí đốt bị hạn chế.

“Chúng tôi sẽ sớm đưa ra một kế hoạch, chúng tôi sẽ cập nhật công việc của mình về các tình huống có thể xảy ra, xem xét các cách tiết kiệm năng lượng một cách chủ động và cung cấp hướng dẫn để giảm nhu cầu trong ngành”, Giám đốc năng lượng của châu Âu Kadri Simson cho biết.

Tin bài liên quan