Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp ở thủ đô Kiev ngày 3/2/2023. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp ở thủ đô Kiev ngày 3/2/2023. Ảnh: Reuters.

EU lạnh nhạt với chuyện kết nạp Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Ukraine diễn ra ngày 3/2 tại thủ đô Kiev, Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, song không đặt ra mốc thời gian cụ thể cho nỗ lực gia nhập khối của quốc gia Đông Âu.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sau cuộc họp không đề cập cụ thể đến mốc thời gian đầy tham vọng mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đặt ra. Thay vào đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine chỉ đưa ra những đảm bảo mơ hồ về việc thúc đẩy tiến trình gia nhập một khi tất cả các điều kiện được đáp ứng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh: “Không có mốc thời gian cứng nhắc, nhưng có những mục tiêu mà các bạn phải đáp ứng được, chẳng hạn như cải cách để cải thiện tình hình ở quốc gia ứng cử viên để sau đó có thể bắt tay vào các cuộc đàm phán gia nhập”.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU ngay sau khi xung đột với Nga nổ ra và muốn bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập chính thức càng sớm càng tốt. Trước đó, phát biểu sau các cuộc đàm phán riêng rẽ với bà Ursula Von Der Leyen và các thành viên của Ủy ban châu Âu, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố, Ukraine xứng đáng có thể bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về tư cách thành viên EU trong năm nay.

“Kết quả cụ thể đạt được ngày hôm nay là gì? Đó là Ukraine có thể bắt đầu đàm phán gia nhập EU trong năm nay, rằng phải tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine và gia tăng áp lực đối với Nga, trong đó có áp lực trừng phạt”, ông Zelensky nói.

Đối với Ukraine, việc trở thành thành viên EU có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi không chỉ giúp nước này gia tăng lợi thế trên chiến trường mà tại cả các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga. Liên minh châu Âu hồi tháng 6 năm ngoái đã trao tư cách ứng cử viên chính thức cho Ukraine trong thời gian ngắn kỷ lục. Tuy nhiên việc trở thành thành viên chính thức lại là một vấn đề khác. Tới nay, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chia rẽ về việc liệu có nên cố gắng thúc đẩy tiến trình gia nhập của quốc gia này hay không.

Nếu như đối với Ba Lan là những rào cản về ngôn ngữ, thì đối với Đức và Hà Lan, những nước này không muốn bị gia tăng gánh nặng về kinh tế. Với GDP bình quân đầu người ở mức 3.727 USD/người trước giai đoạn xung đột, tốc độ tăng trưởng của Ukraine chưa bằng một nửa so với quốc gia nghèo nhất của Liên minh châu Âu là Bulgaria. Hơn nữa, nếu Ukraine gia nhập EU trong thời điểm đang xảy ra xung đột, EU sẽ trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, như được quy định trong Điều khoản phòng vệ lẫn nhau của Hiệp ước Lisbon.

Chính vì thế, tương lai của Ukraine trong Liên minh châu Âu vẫn còn để ngỏ và hỗ trợ mà EU có thể dành cho Ukraine mới dừng lại ở một số lĩnh vực như thỏa thuận về chế độ miễn thị thực cho hàng hóa công nghiệp hay đình chỉ thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu của Ukraine.

Tin bài liên quan