EU nới lỏng các quy định về trợ cấp nhà nước đối với công nghệ xanh

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù không muốn chạy đua về trợ cấp, EU lo ngại các doanh nghiệp sẽ bị "cám dỗ" bởi mức tài trợ nhà nước và chi phí năng lượng thấp hơn ở châu Á và Bắc Mỹ, theo đó lựa chọn chuyển địa điểm đầu tư.
EU nới lỏng các quy định về trợ cấp nhà nước đối với công nghệ xanh

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/3 đã nới lỏng các quy định về trợ cấp nhà nước đối với công nghệ xanh để giúp giảm lượng khí thải carbon.

Đây là một trong những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với mối đe dọa từ các khoản trợ cấp của Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến ngành công nghiệp châu Âu.

Theo EC, các quy định mới sẽ được áp dụng cho đến cuối năm 2025 và có thể kéo dài trong trường hợp đặc biệt, cho phép các nước thành viên EU tăng mức trợ cấp tương đương với các nước có nguy cơ thu hút các hoạt động đầu tư khỏi EU.

Mặc dù không muốn châm ngòi cho "cuộc chạy đua trợ cấp," nhưng EU lo ngại các doanh nghiệp sẽ bị "cám dỗ" bởi mức tài trợ nhà nước và chi phí năng lượng thấp hơn ở châu Á và Bắc Mỹ, theo đó lựa chọn chuyển địa điểm đầu tư.

EU hy vọng các biện pháp mới sẽ hỗ trợ đầu tư vào công nghệ như pin, tấm pin Mặt Trời, tuabin gió, máy bơm nhiệt, thu hồi và lưu trữ carbon, cũng như sản xuất và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng có liên quan.

EC đưa ra thông báo trên một ngày trước khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đến Mỹ và gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden để thảo luận một số vấn đề, trong đó có bất đồng thương mại xuyên Đại Tây Dương liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Mỹ ban hành hồi tháng 8/2022.

Hãng sản xuất ôtô Volkswagen của Đức ngày 8/3 cho biết sẽ chờ phản ứng của EU đối với IRA trước khi xúc tiến kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Đông Âu.

Cũng trong ngày 9/3, các nước thành viên EU đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cấp toàn cầu trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) trong năm nay.

Các bộ trưởng của 27 quốc gia thành viên đã thông qua văn bản về các ưu tiên ngoại giao trước thềm COP28 diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào cuối năm nay.

Văn bản nhấn mạnh "việc chuyển sang nền kinh tế trung hòa với khí hậu sẽ đòi hỏi toàn cầu phải loại bỏ dần các loại nhiên liệu hóa thạch,” điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn.

Theo văn bản này, EU sẽ thúc đẩy một cách có hệ thống và kêu gọi một phong trào toàn cầu hướng tới các hệ thống năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2050.

EU cho rằng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới.

Liên minh châu Âu đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và chấm dứt hàng thập kỷ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Tin bài liên quan