EU thông qua mức trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quốc gia thành viên EU đã đồng ý về mức trần giá được áp dụng đối với các lô hàng sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga và sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2 như một phần trong nỗ lực của G7 nhằm cắt giảm doanh thu xuất khẩu của Nga.
EU thông qua mức trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga

Theo đó, tại một cuộc họp vào thứ Sáu (3/2), EU đã đồng ý thông qua mức trần giá của các sản phẩm cao cấp như dầu diesel ở mức 100 USD/thùng và các sản phẩm cấp thấp bao gồm dầu nhiên liệu ở mức 45 USD/thùng.

Các mức trần giá này sẽ cho phép các công ty vận tải vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của Nga tiếp cận bảo hiểm và tài trợ của phương Tây chỉ khi họ trả ít hơn mức giá quy định.

Theo hai quan chức EU, các quốc gia diều hâu hơn của EU bao gồm Ba Lan và Baltics đã thành công trong việc yêu cầu xem xét lại mức trần giá hai tháng một lần. Các quốc gia G7 khác bao gồm cả Mỹ ít nghiêng về cơ chế như vậy do sự bất ổn tiềm ẩn mà nó có thể gây ra trên thị trường năng lượng.

Trong thỏa thuận cuối cùng, các quan chức đã đồng ý sẽ đánh giá mức trần giá lần đầu vào giữa tháng 3, và ủy ban sẽ xem xét tác động của mức trần đối với cả ngân sách Nga và các quốc gia thành viên. Uỷ ban cũng sẽ tính đến tác động của mức trần giá đối với thị trường “bao gồm cả những bất ổn có thể xảy ra”, tài liệu của uỷ ban cho biết.

Trong khi đó, mức trần giá này thấp hơn so với giá thị trường hiện tại đối với dầu diesel đang giao dịch khoảng 110-120 USD/thùng. Nhiên liệu tinh chế chất lượng cao như dầu diesel và xăng hầu như luôn đắt hơn dầu thô đang được giao dịch gần 80 USD/thùng, do chi phí tinh chế và xử lý bổ sung.

Nhưng kể từ xung đột Nga-Ukraine diễn ra, giá dầu diesel nói riêng đã tăng vọt do Nga là nhà cung cấp nhiên liệu bên ngoài lớn nhất của châu Âu, trong khi nhiều người mua châu Âu đã quay lưng với các sản phẩm dầu từ Nga.

Sự khan hiếm trên thị trường dầu diesel đã đặt ra câu hỏi liệu người mua EU có thể nhanh chóng thay thế dầu mà họ từng nhập khẩu từ Nga hay không sau khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Theo các thành viên của liên minh G7, mức chiết khấu tương đối nhỏ đối với dầu diesel phần nào phản ánh những lo ngại về tình trạng thắt chặt thị trường trên toàn cầu.

Ngoài ra, mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga do EU áp đặt vào tháng 12 cũng được xem xét lại hai tháng một lần.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ đã bảo vệ cơ chế trần giá dầu thô trước những lời chỉ trích rằng nó sẽ làm thay đổi rất ít hành vi của Nga hoặc gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước này.

Trong khi đó, giá dầu đã không tăng sau lệnh cấm vận như một số nhà phân tích dự đoán.

“Chúng tôi cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực rằng việc cơ chế trần giá dầu đang hỗ trợ mục tiêu thứ hai của chúng tôi là thúc đẩy nguồn cung cấp năng lượng ổn định”, quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng giá dầu toàn cầu hiện thấp hơn so với trước khi các cơ chế trần giá dầu bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 12.

Bên cạnh đó, một nhà ngoại giao của EU cho biết rằng cơ chế trần giá là một "biện pháp hạn chế cân bằng tốt vì điều đó sẽ giúp duy trì giá dầu và các sản phẩm có nguồn gốc đủ thấp để giảm nguồn thu của Nga trong khi đảm bảo quyền tiếp cận của các nước thứ ba".

Tin bài liên quan