EU tìm cách đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất vắcxin từ Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu và Mỹ muốn "hợp tác, phối hợp nhằm tránh tạo ra sự đình trệ" cho các nhà sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 - mặt hàng đang được thắt chặt hạn chế xuất khẩu.
Tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN).

Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin châu Âu ngày 6/3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động đàm phán với Washington vào ngày 8/3 nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mặt hàng hiện đang được thắt chặt hạn chế xuất khẩu.

Nguồn thạo tin cho hay Ủy viên Thị trường nội khối Thierry Breton - quan chức phụ trách công tác sản xuất vắcxin của EU - sẽ thảo luận với Điều phối viên Nhà Trắng về COVID-19 Jeffrey Zients.

Theo nguồn tin, EU và Mỹ muốn "hợp tác, phối hợp nhằm tránh tạo ra sự đình trệ" cho các nhà sản xuất vắcxin tại châu Âu.

Nguồn tin châu Âu cho biết ý tưởng không phải để tiếp tục tranh cãi về các quy tắc mà để giảm bớt và tăng tốc các thủ tục hành chính.

Nguồn tin nêu rõ: "Chúng tôi đang đề phòng. Khi tới thời điểm hoạt động sản xuất vắcxin tại châu Âu tăng mạnh, chúng tôi muốn chắc chắn rằng tất cả nguyên liệu đều có sẵn."

Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 sau khi cơ chế này chính thức kết thúc vào ngày 31/3 tới.

Thời gian gia hạn kéo dài tới cuối tháng 6 và có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều giữa các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Thông tin trên được công bố sau khi Italy hồi tuần trước đã từ chối cấp phép xuất khẩu 250.000 liều vắcxin của AstraZeneca sang Australia thông qua cơ chế này.

Một quan chức trong khối cho biết EC không phản đối quyết định của Italy và coi cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắcxin là cách thức “tự vệ chính đáng” của EU trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng khan hiếm vắcxin hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều nước bên ngoài EU đang phản đối cơ chế này. Tại phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra từ ngày 1-4/3, một số nước cho rằng EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vắcxin.

Một quan chức WTO kêu gọi EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng này.

Tin bài liên quan