Euro tăng giá so với đô la khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện

Euro tăng giá so với đô la khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng euro đã phục hồi trở lại kể từ khi giảm xuống dưới mức ngang giá với đồng đô la Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, khi được hỗ trợ bởi giá năng lượng hạ nhiệt, nỗi lo về suy thoái kinh tế sâu vào cuối năm nay và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày càng có quan điểm diều hâu về chính sách tiền tệ.

Đồng euro đã tăng khoảng 13% trong vòng ba tháng rưỡi qua lên mức hiện tại gần 1,08 mỗi đô la, điều này được hỗ trợ bởi sự sụt giảm trên diện rộng của đồng đô la so với các đồng tiền khác, với mức giảm khoảng 10% so với rổ sáu đồng tiền lớn kể từ khi chạm mức mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 9/2022.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất chính sách chính lên 4,25% trong năm 2022, đây cũng là mức tăng lớn nhất trong vòng một năm trong bốn thập kỷ. Chênh lệch lãi suất ngày càng tăng với các nền kinh tế khác đã thu hút các nhà đầu tư đến Mỹ, thúc đẩy đồng đô la tăng giá, trong khi giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã đe dọa đến bất ổn kinh tế ở châu Âu, làm giảm sức hấp dẫn của đồng euro.

Tuy nhiên, cả hai xu hướng đã phần nào đảo ngược. Andreas Koenig, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu tại Amundi cho biết: "Trong vài năm qua, hầu như không có đồng tiền nào có thể thay thế được đồng đô la. Giờ đây, dòng vốn đang hồi hương đối với các nền kinh tế bên ngoài Mỹ khi các lựa chọn hấp dẫn khác xuất hiện”.

Cụ thể, tiền từ nước ngoài đã đổ vào Trung Quốc kể từ khi nước này đảo ngược chính sách Zero Covid nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái, và động thái này cũng khuyến khích các nhà kinh tế hàng đầu nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu của nước này. Đồng đô la có xu hướng mạnh lên trong thời kỳ kinh tế vĩ mô căng thẳng.

Triển vọng kinh tế của châu Âu cũng đã được cải thiện. Được hỗ trợ bởi thời tiết ấm hơn, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm kể từ cuối tháng 8 xuống mức trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc suy thoái sâu rộng trên toàn lục địa vào năm 2023.

Diễn biến tỷ cặp tỷ giá Euro/USD

Diễn biến tỷ cặp tỷ giá Euro/USD

Đồng thời, việc hạ nhiệt lạm phát trên toàn Đại Tây Dương được kỳ vọng là tiền đề để Fed có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Fed đã tăng lãi suất 0,5% trong tháng 12/2022 sau chuỗi bốn lần tăng 0,75% liên tiếp. Bất chấp sự thận trọng của nhiều quan chức ngân hàng trung ương, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman của MUFG cho biết, lãi suất thấp hơn sẽ “loại bỏ lợi thế lớn đối với đồng đô la”. Ông kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất từ 2% lên 3,25% vào giữa năm nay.

“Năm ngoái, Fed đã dẫn đầu với các đợt tăng lãi suất lớn hơn so với các ngân hàng trung ương khác, nhưng bây giờ, lần đầu tiên, ECB đang diều hâu hơn so với Fed”, ông cho biết.

Ngoài ra, sự khác biệt ngày càng lớn giữa chính sách của Fed và ECB có thể giúp đồng euro tăng lên 1,12 USD vào đầu năm 2024. Mặc dù vậy, mối đe dọa kéo dài về giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản thương mại của châu Âu, do đó, nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman cho biết vẫn “thận trọng về việc của đồng euro được định giá quá cao so với đồng đô la”.

Tin bài liên quan