EVN lỗ lớn, giá điện chịu áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Ông lớn” ngành điện bất ngờ báo lỗ gần 16.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 và điều này gây tâm lý lo ngại giá điện sẽ tăng.
EVN lỗ lớn, giá điện chịu áp lực

Kinh doanh dưới giá vốn

Tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 mới công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận tổng doanh thu 221.231 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ chiếm tới 225.440 tỷ đồng cho thấy tập đoàn này đang kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng.

Ngoài giá vốn tăng đột biến, các khoản mục chi phí tài chính, bán hàng, quản lý… trong kỳ của EVN biến động không nhiều. Sau khi trừ đi các chi phí, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế hợp nhất hơn 16.586 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ lỗ hơn 17.358 tỷ đồng. Đây là một kết quả bất ngờ bởi trong 5 năm qua, EVN tăng trưởng liên tục về cả doanh thu và lợi nhuận.

Nguyên nhân của khoản lỗ “khủng” nói trên, theo EVN, là do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay trong bối cảnh thế giới khủng hoảng năng lượng vì đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19 và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trước đó, hồi tháng 7/2022, EVN đã báo cáo Bộ Công thương về việc giá điện đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm. Tại thời điểm báo cáo, EVN cho biết, bình quân giá than trộn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%; giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi lên 304,8 USD/tấn; dầu thô Brent tăng lên 104,4 USD/thùng, tăng gần 2,5 lần…

Giá điện sẽ tăng?

EVN là doanh nghiệp nhà nước, hiện cung ứng khoảng 46% sản lượng điện cho toàn hệ thống điện quốc gia. Bởi vậy, việc kinh doanh lỗ tới gần 16.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022 (cao hơn số lãi của năm 2021) là một vấn đề đáng quan tâm.

Hiện tại, EVN chưa có đề xuất tăng giá bán lẻ điện, song đây là mối quan tâm của nhiều người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với không ít khó khăn. Theo tính toán của EVN, để cân đối với giá nguyên liệu đầu vào, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 ở mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn 2,74% so với mức đang áp dụng từ năm 2019 là 1.844,64 đồng/kWh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,25% một phần do Chính phủ đã thực hiện bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu như điện, nước, xăng, dầu, nhà ở, học phí… là những mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.

PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, điện là lĩnh vực do Nhà nước ấn định giá. Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg (áp dụng từ ngày 15/8/2017) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh 6 tháng một lần. Trong trường hợp điều chỉnh tăng, mức tăng từ 3% đến dưới 5% thì EVN được quyền quyết định; tăng từ 5% đến dưới 10% cần báo cáo Bộ Công thương xem xét; tăng từ 10% trở lên cần báo cáo Bộ Công thương để phối hợp với Bộ Tài chính rà soát rồi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm, Bộ Công thương và EVN có trách nhiệm điều chỉnh, nếu phát hiện có vi phạm về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân thì xử lý theo quy định pháp luật.

“Tuy nhiên, từ khi có Quyết định 24 thì giá bán lẻ điện chưa giảm lần nào, mà chỉ tăng”, ông Long cho hay, đồng thời cho biết thêm, lẽ ra năm ngoái có thể xem xét tăng giá bán lẻ điện, nhưng chủ trương của Chính phủ là bình ổn giá cả đầu vào để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên giá điện chưa tăng.

Theo ông Long, không nên để ngành điện chịu áp lực thua lỗ quá lâu, hậu quả sẽ nặng nề khi chiếc “lò xo nén” bung ra. Vì vậy, cần có sự phân tích, đánh giá khoản lỗ lớn này để có giải pháp gỡ khó, bởi đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành điện, mà còn là vấn đề an ninh năng lượng về lâu dài của quốc gia.

“Tất nhiên, cũng cần có sự tính toán, lộ trình phù hợp, tránh việc điều chỉnh giật cục làm giá điện tăng dồn dập, tăng đột biến”, ông Long lưu ý.

Tin bài liên quan