EVN phê duyệt giá mua điện tạm thời cho 2/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp

EVN phê duyệt giá mua điện tạm thời cho 2/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 10/5/2023, có 31/85 dự nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8 MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. Trong đó, có 2 nhà máy đã được EVN duyệt giá tạm thời.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới thông tin, trong 31 dự án nộp hồ sơ, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.

Đáng ghi nhận, đã có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó, đã có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram.

Ngày 10/5 vừa qua, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.

Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực. Và trong số 6 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, mới có 3 nhà máy điện điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram được cấp giấy phép.

Ở một diễn biến khác, trong buổi giao lưu trực tuyến: "Bạn thắc mắc gì về điện trong mùa nắng nóng?" ngày 15/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đã xây dựng 5 biện pháp cấp bách trong mùa nắng nóng, bao gồm:

Thứ nhất, giải pháp về vận hành: EVN huy động tối đa các loại hình nguồn điện để cố gắng giữ mực nước đến cuối tháng 5/2023, nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện. Đồng thời, các đơn vị trong EVN tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải; bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý. Dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ để tăng thêm công suất khả dụng vào các thời điểm hệ thống cần. Tập đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo các đơn vị cung cấp nhiên liệu và các đơn vị phát điện.

Thứ hai, giải pháp về bổ sung nguồn điện: EVN đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3; Nhà máy điện BOT Vân Phong 1. Đối với các dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN tiếp tục đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời để vận hành cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện.

Tập đoàn cũng đã đàm phán với Công ty Quốc tế Vân Nam - Trung Quốc (YNIC) để tăng sản lượng, công suất mua điện. EVN cũng tăng cường nhập khẩu điện từ Lào trên cơ sở thực hiện và báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai thủ tục đóng điện đường dây, thử nghiệm nhà máy.

Thứ ba, giải pháp về tăng cường năng lực truyền tải: Tập đoàn chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung, các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, hoàn thiện lắp đặt tụ bù trên lưới điện để đảm bảo điện áp, đặc biệt tại miền Bắc và tăng thêm khả năng truyền tải, khả năng nhập khẩu Trung Quốc.

Thứ tư, giải pháp tiết kiệm điện và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR): EVN sẽ tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Lập phương án thực hiện chương trình DR, đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện phi thương mại trong các tháng 5, 6, 7, 8 trên cơ sở phân bổ công suất khả dụng của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Các công ty điện lực có kế hoạch cung cấp điện các tháng, đặc biệt là trong các tháng 5, 6, 7, 8 và thông báo trước cho các khách hàng lớn biết để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.

Thứ năm, giải pháp thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo. EVN cũng yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty, công ty điện lực, các nhà máy thuỷ điện thực hiện báo cáo, tham mưu với lãnh đạo UBND, sở ngành địa phương của các tỉnh về các giải pháp tiết kiệm nguồn nước và tiết kiệm điện tại địa phương.

Tin bài liên quan