Google, Facebook đang nắm giữ khoảng 78% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam

Google, Facebook đang nắm giữ khoảng 78% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam

Facebook, Google đang “xài chùa” bản quyền: Phải trả phí cho cơ quan báo chí

0:00 / 0:00
0:00
Thu gần 1 tỷ USD/năm tiền quảng cáo từ việc khai thác tin tức, sản phẩm thuộc bản quyền của báo chí Việt Nam trên nền tảng của mình, Facebook, Google phải có trách nhiệm trả phí cho báo chí.

Làm giàu nhờ báo chí, nhưng chưa trả phí

Một bài báo của các cơ quan báo chí chính thống vừa xuất bản ít phút, ngay lập tức đã xuất hiện trên Facebook, Google, được dẫn từ các… trang tin điện tử “ba không” (không giấy phép, không cơ quan chủ quản, không nguồn gốc), blog cá nhân, mạng xã hội… chứ không phải của cơ quan báo chí đó.

Video, phim truyện, game… của các đài truyền hình bị cắt ghép, phát lại trên Youtube, Facebook để lấy tiền quảng cáo. Dĩ nhiên, nguồn tiền quảng cáo được chia về cho Youtube, Facebook và người phát tán, còn cơ quan báo chí - đơn vị sản xuất bị vi phạm bản quyền - thì không được đồng nào, thậm chí sản phẩm của mình còn bị bóp méo, xuyên tạc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Tình trạng này được ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra tại Diễn đàn Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí mới đây. Ông Lâm nhận định, Google và Facebook là 2 nền tảng lớn tiếp tay các đối tượng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

Ví dụ, mạng lưới quảng cáo Google AdSense cho phép cung cấp quảng cáo trên các trang tin không có giấy phép, vi phạm bản quyền, tạo nguồn thu cho các trang này hoạt động, gián tiếp ủng hộ hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên không gian mạng. Khi tìm kiếm trên Google, tin tức từ các trang không phép hiện lên trước cả website báo chí. Chưa kể, Google vẫn cho chạy quảng cáo trò chơi nước ngoài không phép trên các trang đó, bất luận trang có được cấp phép hay không.

Còn Facebook thì “làm ngơ” cho các fanpage chia sẻ đường dẫn trang vi phạm bản quyền hiển thị tin/bài dưới dạng “instant article”.

Facebook giúp các trang không phép, vi phạm bản quyền kiếm tiền thông qua việc cung cấp quảng cáo trên instant article. “Ngoài ra, một số hệ thống quảng cáo xuyên biên giới khác cũng cung cấp quảng cáo vào các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền báo chí. Theo đó, các hệ thống này ký hợp đồng quảng cáo với các trang tin, mà bỏ qua điều kiện cấp phép của trang tin, tạo điều kiện cho các trang vi phạm bản quyền có thu nhập tốt”, ông Lâm cho biết.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD quảng cáo. Hai nền tảng này cho quảng cáo không cần phân biệt trang thông tin, trang báo có chính thống hay không, từ đó có được nguồn thu lớn.

Báo cáo Xu hướng tiếp thị kỹ thuật số Việt Nam 2021 được thực hiện trong tháng 1/2021 cho thấy, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD (18.860 tỷ đồng). Dự báo, năm 2021, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam sẽ đạt mức doanh thu 955,7 triệu USD. Đáng nói là, khoảng 78% doanh thu từ “miếng bánh” này rơi vào tay Google, Facebook...

Dù đạt doanh thu, lợi nhuận lớn, trong đó có sử dụng nội dung sáng tạo của các cơ quan báo chí, nhưng Facebook, Google không chia sẻ lại lợi ích cho các cơ quan báo chí. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã đấu tranh, ra đạo luật buộc Google, Facebook phải chi trả phí bản quyền cho cơ quan báo chí. Mới đây nhất, thắng lợi của Chính phủ Australia là tiền đề quan trọng cho báo chí các quốc gia khác đấu tranh với 2 nền tảng này.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2017 - 2018 đã xuất hiện làn sóng tẩy chay quảng cáo trên 2 nền tảng này do quảng cáo độc hại. Đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phát đi 2 văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát ngay toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo chí điện tử, trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Mới đây, nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đang lên kế hoạch xây dựng quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google khi sử dụng, khai thác thông tin của báo chí Việt Nam phải trả phí bản quyền cho các cơ quan báo chí chính thống. Động thái này được cho là rất quyết liệt, nhưng để thực hiện được sẽ là một cuộc chiến vô cùng cam go…

Làm gì để buộc Google, Facebook phải trả phí bản quyền?

Cho rằng việc “đòi quyền lợi” cho báo chí từ nguồn thu quảng cáo của Facebook, Google là điều không hề đơn giản, ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ, việc “mặc cả” với những “gã khổng lồ” xuyên quốc gia không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng cũng không nên ngồi im, mà phải có lộ trình hành động, chọn thời điểm, cách thức phù hợp.

“Việt Nam có thể tham khảo cách thức tiếp cận của Australia đối với các công ty thuộc nhóm ‘big tech’ đang chi phối lĩnh vực quảng cáo số và phân phối nội dung. Việc thương lượng đơn lẻ của từng cơ quan báo chí với các ông lớn nhiều khả năng dẫn đến thất bại. Do đó, cần phải thương lượng tập thể và có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng, thì mới hy vọng đạt được tiến bộ”, ông Minh nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh, để xử lý hiệu quả vấn đề thu phí bản quyền báo chí từ Facebook, Google, cần có sự đoàn kết tập thể, kết thành một liên minh nhiều bên. Theo đó, cần có một bộ phận chuyên nghiệp gồm thành viên của cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, chuyên gia, luật sư… cùng vào cuộc.

Luật sư Nguyễn Bảo Thắng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quản lý Internet đã ngày càng được bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa có những điều luật chi tiết, cụ thể, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải trả phí bản quyền cho cơ quan báo chí, nhất là những nội dung đã bị cắt xén, biên tập, xử lý. Vì vậy, muốn bắt họ trả tiền, phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó quy định chi tiết, cụ thể các trường hợp phải trả phí, mức phí, cách thức chi trả…

“Các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, nhà xuất bản, các cơ quan báo chí… có thể nghiên cứu cách thức thực hiện từ Australia, châu Âu để trình Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Việc phải trả phí là xu hướng tất yếu, nên ngay từ bây giờ, cần bắt tay vào xây dựng khung khổ pháp lý”, luật sư Thắng khuyến nghị.

Google cho biết, đã ký 500 thỏa thuận trị giá khoảng 1 tỷ USD trong 3 năm với các nhà xuất bản trên khắp thế giới cho dịch vụ giới thiệu tin tức mới của mình.

Hiện có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức buộc Facebook, Google phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung tin tức. Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đã thành lập các liên minh, nghiệp đoàn và soạn thảo các dự luật tương tự Australia.

Tin bài liên quan