Fed "mắc kẹt" giữa lạm phát và khủng hoảng ngành ngân hàng

Fed "mắc kẹt" giữa lạm phát và khủng hoảng ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jemore Powell muốn tăng tiếp lãi suất nhưng giờ đây, ông có thể buộc phải cân nhắc dừng tăng lãi suất để bảo vệ hệ thống ngân hàng nước này.

Mọi con mắt trong thế giới tài chính và kinh tế sẽ tập trung vào Fed trong cuộc họp chính sách vào tuần này, khi Chủ tịch Jerome Powell đang phải cố gắng cân bằng giữa cuộc chiến chống lạm phát và ổn định ngành ngân hàng nước này đi qua khủng hoảng.

Tình thế này xảy ra khi giới chức trách toàn cầu chạy đua can thiệp để hỗ trợ hệ thống tài chính sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hồi đầu tháng này. Fed đã triển khai một chương trình cho vay mới để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, còn Chính phủ Thụy Sĩ đã vội vàng đứng ra dàn xếp thương vụ UBS, ngân hàng lớn nhất đất nước, mua lại Credit Suisse.

Thế nhưng vẫn chưa rõ liệu những hành động này có đủ để ngăn chặn rủi ro khủng hoảng lây lan rộng trong ngành ngân hàng hay không. Cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng khu vực ở Mỹ vẫn giảm sâu so với trước khi SVB gục ngã. Fed tăng lãi suất quá nhanh, khiến danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ của SVB thua lỗ lớn nhưng buộc phải thanh lý bớt để củng cố thanh khoản do làn sóng rút tiền. Nhiều ngân hàng khu vực khác cũng đối mặt rủi ro tương tự

Mặt khác, lạm phát ở Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ, cao hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng ngân hàng nào ở Mỹ trong 140 năm qua. Trong khi hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản, thì một số chuyên gia lại cho rằng giới chức nước này nên tạm dừng việc tăng lãi suất để củng cố sự ổn định cho hệ thống tài chính.

Lãi suất của Fed tăng mạnh bắt đầu từ năm 2022. Nguồn: Bloomberg.

Lãi suất của Fed tăng mạnh bắt đầu từ năm 2022. Nguồn: Bloomberg.

Derek Tang, một nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics ở Washington, cho biết: “Sự căng thẳng này đang dẫn đến câu hỏi liệu họ đã đi quá xa hay chưa đủ xa? Cả hai đều có thể đúng cùng một lúc”.

Ellen Meade, cựu cố vấn cấp cao cho hội đồng thống đốc của Fed, nhận xét: “Đây là thời điểm vô cùng thử thách đối với Fed. Trong trường hợp này, Chủ tịch Fed Powell phải đóng hai vai, vừa là lính cứu hỏa, vừa là cảnh sát”.

Một yếu tố quan trọng khác của cuộc họp tuần này đó là các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các dự báo lãi suất cập nhật lần đầu tiên kể từ tháng 12, đưa ra chỉ báo quan trọng về việc liệu họ có còn bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm nay hay không. Quyết định về lãi suất trong phiên họp ngày 22/3 còn khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng nó sẽ đi kèm với những dự báo mới không chỉ về quỹ đạo của lãi suất mà còn về tăng trưởng, lạm phát và thất nghiệp, vào thời điểm tình hình kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, nhận định, Fed phải hành động thận trọng vì thực tế là các ngân hàng khu vực dự kiến ​​​​cắt giảm mạnh hoạt động cho vay của họ để đối phó với các khó khăn gần đây. Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management, ước tính rằng các ngân hàng nắm giữ khoảng 40% tổng tài sản trong toàn ngành có thể cắt giảm cho vay, khiến kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng trong năm nay.

Có tới 84% các chuyên gia tài chính được hỏi dự báo rằng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm, tăng biên độ lên mức 4,75% đến 5%, và sẽ là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Trong cuộc khảo sát mới nhất của Financial Times, các nhà kinh tế cho biết các sự kiện gần đây khiến họ hạ dự báo về mức lãi suất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đa số họ vẫn cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất lên 5,5%, và giữ mức đó cho đến năm 2024.

Vincent Reinhart, nhà kinh tế trưởng của BNY Mellon Investment Management cảnh báo nếu các quan chức Fed tạm dừng tăng lãi suất trong nỗ lực củng cố sự ổn định tài chính, họ sẽ đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng vì đã không quản lý chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng để ngăn chặn cơn hỗn loạn hiện nay ngay từ đầu.

Tin bài liên quan