Fed nỗ lực xoa dịu, giới đầu tư trút bỏ bớt gánh nặng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/5) với mức tăng khiêm tốn khi những phát biểu gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát tăng cao và giữ lợi suất trái phiếu trong tầm kiểm soát.
Fed nỗ lực xoa dịu, giới đầu tư trút bỏ bớt gánh nặng

Trong những ngày gần đây, nhiều quan chức Fed liên tục đưa ra những quan điểm về lạm phát, hầu hết đều cho biết ngân hàng trung ương chỉ coi lạm phát tăng cao là "tạm thời" và nắm trong tay các công cụ để kìm hãm nếu lạm phát bắt đầu tăng quá nóng. Tuy nhiên, các quan chức cũng phát đi tín hiệu cho thấy, Fed đang tiến gần hơn đến việc bắt đầu cuộc tranh luận về việc thắt chặt chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ đang vận hành.

Phát biểu tại một sự kiện kinh tế hôm thứ Tư, Phó chủ tịch Fed Randal Quarles nhắc lại lập trường của cơ quan này rằng, Fed sẽ vẫn kiên nhẫn và cần phải chứng kiến nhiều tháng cải thiện việc làm trước khi nghĩ đến việc tăng lãi suất hoặc cắt giảm mua tài sản.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng cho biết, mặc dù nền kinh tế đã có sự cải thiện, tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc phải thay đổi chính sách.

Sau khi lo ngại lạm phát gia tăng gây ra sự biến động trên thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo tiêu dùng cá nhân hàng tháng được theo dõi chặt chẽ của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Các cổ phiếu như công nghệ như Tesla và Alphabet, vốn gặp khó khăn trong những tuần gần đây khi lợi suất trái phiếu tăng do lo ngại lạm phát, khởi sắc trong phiên khi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ ổn định dưới mức 1,6%.

Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã giảm xuống dưới mức 25.000 ca và gần 50% dân số nước Mỹ đã được tiêm vắc-xin ít nhất 1 liều.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Dow Jones tăng 10,59 điểm (+0,03%), lên 34.323,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,86 điểm (+0,19%), lên 4.195,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 80,82 điểm (+0,59%), lên 13.738,00 điểm.

Chứng khoán châu Âu gần như đi ngang trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ươn châu Âu (ECB) cam kết giữ chính sách tiền tệ nới lỏng bất chấp những dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,86 điểm (-0,041%), xuống 7.026,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 14,37 điểm (-0,093%), xuống 15.450,72. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,33 điểm (+0,02%), lên 6.391,60 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng song dường như thị trường thiếu lực kéo do tác động từ những bất ổn về lạm phát toàn cầu và dịch bệnh trong nước.

Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa ở mức cao nhất trong ba tháng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ mạnh lên làm gia tăng khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ và bất động sản, khi đồng nhân dân tệ mạnh lên và lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa của Fed xoa dịu lo ngại lạm phát.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ với điểm nhấn đến từ cổ phiếu của LG Chem giảm gần 7%.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 88,21 điểm (+0,31%), lên 28.642,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,02 điểm (+0,34%), lên 3.593,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 255,15 điểm (+0,88%), lên 29.166,01 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,89 điểm (-0,09%), xuống 3.168,43 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ Tư đóng giảm nhẹ. Trong phiên, có thời điểm giá vàng tăng nóng, vượt lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.900 USD/ounce do đồng USD yếu và giới đầu tư lo ngại lạm phát khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuy nhiên, đến cuối phiên, giá vàng điều chỉnh giảm do đồng USD có dấu hiệu phục hồi.

Kết thúc phiên 26/5, giá vàng giao ngày giảm 2,00 USD (-0,1%), xuống 1.896,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,20 USD (+0,17%), lên 1.901,20 USD/ounce.

Giá dầu giữ ổn định sang phiên ngày thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm,củng cố kỳ vọng cải thiện nhu cầu trước mùa lái xe cao điểm vào mùa hè, bù đắp những lo ngại rằng nguồn cung Iran có thể quay trở lại sẽ gây ra tình trạng dư thừa.

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Các nhà máy lọc dầu cũng đã tăng tỷ lệ sử dụng lên mức trước đại dịch.

Kết thúc phiên 26/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,14 USD (+0,03%), lên 66,21 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,3%), lên 68,87 USD/thùng.

Tin bài liên quan