FiinGroup: Khối lượng phát hành trái phiếu sẽ gia tăng mạnh trở lại từ năm 2023

FiinGroup: Khối lượng phát hành trái phiếu sẽ gia tăng mạnh trở lại từ năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) FiinRatings (FiinGroup) vừa công bố báo cáo "Đánh giá tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP với thị trường Trái phiếu doanh nghiệp".

Theo FiinGroup, sau nhiều tháng chờ đợi thì Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) đã được ban hành vào ngày 16/9/2022.

Với nhiều quy định mới, Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành và khai thông dòng vốn từ kênh huy động này cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

FiinGroup cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, khối lượng phát hành dự kiến sẽ gia tăng trở lại. Với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng như đã nhận định trong các ấn phẩm trước đây, FiinGroup tin rằng Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đánh giá của FiinGroup, thực tế cho thấy, tín dụng bất động sản có đến 94% nguồn vốn là cho vay trung và dài hạn nhưng lại đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại vốn có bản chất huy động ngắn hạn. Nhu cầu vốn của ngành bất động sản gây sức ép trong khi các các ngân hàng mặc dù đã được nới room nhưng không quá nhiều khiến cho áp lực ngày một tăng cao.

Hơn nữa, trong thời gian tới, các tổ chức này vẫn tiếp tục phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 34% theo lộ trình của NHNN. Trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng và mới chỉ tương đương 1/3 tổng dư nợ tín dụng vay trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng rất nhanh và còn nhiều dư địa phát triển.

FiinRatings tin rằng, Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà”, FiinGroup nhận định.

FiinGroup nhận định, việc thành lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ lành mạnh hóa hoạt động phân phối trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế các hành vi chào bán tràn lan, vi phạm quy định. Đây là phương án khả thi để cải thiện mức thanh khoản của thị trường hiện tại.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 – 2023 theo nhóm ngành.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 – 2023 theo nhóm ngành.

Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (khoản 2, Điều 5). FiinGroup đánh giá điều đó sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án.

Chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tính riêng trong năm nay đạt 35,56 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn. Theo FiinGroup, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

Ở một góc nhìn khác, FiinGroup cho rằng, ngân hàng vẫn là một trong số những nhà đầu tư chủ chốt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt khi đây là sản phẩm có mức lợi suất cao hơn nhiều lần so với trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hiện được hạn chế bởi Thông tư 16 và điều kiện “room” tín dụng hạn chế, ngân hàng sẽ chỉ tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách chọn lọc.

Các chuyên gia của FiinGroup nêu quan điểm: “Ở góc độ này thì chúng tôi cho rằng cầu về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phải đợi các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí... để phát triển”.

Liên quan đến vấn đề được thị trường rất quan tâm đó là nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng ra sao, FiinGroup cho rằng, về nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chuyên buộc phải mua trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, hoặc chuyển sang mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư. Do đó, đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp được quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi, chủ yếu giảm về quy mô nhưng hướng đến việc đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí tự nguyện…

“Các định chế đầu tư trung gian này sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, chuyên nghiệp giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, việc khuyến khích các định chế tài chính phi ngân hàng này tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cũng là hình thức điều chỉnh thị trường phát triển theo hướng dài hạn khi các chiến lược của các quỹ này chủ yếu tập trung vào danh mục đầu tư có tính chất dài hạn, từ đó hạn chế được các rủi ro biến động thị trường ngắn hạn”, theo FiinGroup.

Đối với nhà đầu tư không chuyên đang nắm giữ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giao dịch trong khoảng thời gian Nghị định số 153/2020/NĐ-CP còn hiệu lực, FiinGroup cho rằng, Nghị định 65 cũng bổ sung nội dung về các điều khoản chuyển tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng này. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục lưu ký, giao dịch theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, chấp thuận.

“Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy đinh của Nghị định này, song đối tượng giao dịch được giới hạn giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, FiinGroup nhận định.

Đánh giá trên tổng thể, FiinGroup cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn trầm lắng kể từ đầu quý II đến nay sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh, do đó, Nghị định 65 sẽ phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn.

FiinGroup dự báo quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Mặc dù vậy, với các quy định hồ sơ chào bán và phương thức phát hành chặt chẽ hơn trước rất nhiều, chỉ những doanh nghiệp có năng lực và hồ sơ minh bạch mới có thể huy động được vốn từ kênh này, bởi vậy vẫn sẽ có hiện tượng doanh nghiệp khó khăn trong việc cơ cấu lại nợ và dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, đây là vấn đề thị trường và thông lệ quốc tế mà Việt Nam cần phải chấp nhận để phát triển lành mạnh và bền vững.

Tin bài liên quan