Fintech: Cần quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính

Fintech: Cần quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 8/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam".

Diễn đàn nhằm mục tiêu chia sẻ thông tin, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như các tổ chức Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam trong việc hoạch định, điều chỉnh, tăng tốc quá trình chuyển đổi, ứng dụng cộng nghệ mới.

Tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển "chính phủ và nền kinh tế số".

Ông Phòng cho biết, năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí thứ 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động như mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm được số hoá 100%.

"Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Fintech Việt Nam đã phát triển vượt bậc", ông Hùng nhận xét.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã giới thiệu hiện trạng, mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng số và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, tỷ lệ trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật là 160/240 trường, với số lượng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin hàng năm khoảng 50.000 sinh viên. Trong khi đó, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 1,1% trong tổ số lao động trong nền kinh tế.

Đồng thời, ông Tuấn cũng nêu ra 5 mục tiêu phát triển hạ tầng số. Bao gồm: Làm chủ hạ tầng thông tin và truyền thông, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng bằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Tạo sự phát triển đột phá bằng các hạ tầng mới IoT và cloud; Kiến tạo các khu vực động lực kinh tế mới bằng công nghiệp công nghệ số; Tối ưu hoá nguồn lực quốc gia bằng tạo lập liên kết với các hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistic...; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển với tốc độ nhanh của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân....

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đại diện phía Ngân Hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Pvcombank cũng nêu ra những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Theo bà Nga, trong quá trình chuyển đổi số ở ngân hàng, hầu như toàn bộ hệ thống và phương pháp thực hiện có sự thay đổi, các cán bộ cần có thời gian cập nhật xử lý và làm quen nên đôi khi xảy ra chậm trễ trong giao dịch hoặc lỗi hệ thống. Vấn đề tiếp theo là cơ sở dữ liệu và phân tích, dự báo môi trường kinh doanh… còn thiếu và yếu, dẫn đến các ngân hàng còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hoạch định chiến lược dài hạn.

Một số thách thức khác như: Các yêu cầu về quản lý rủi ro hoạt động trong các quy định của các ngân hàng và theo tiêu chuẩn quốc tế (Basel II/III) đòi hỏi người đọc và áp dụng phải có trình độ cao, một số thuật ngữ khá trừu tượng gây khó hiểu hoặc nhầm lẫn ảnh hưởng đến việc các NHTM chưa triển khai được; Rủi ro về an ninh mạng là vấn đề khiến các NHTM phải đau đầu bởi sự phụ thuộc vào công cụ số khiến các ngân hàng gặp rủi ro từ các cuộc tấn công mạng;

Nguy cơ phục hồi chưa chắc chắn và không đồng đều của các nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng Covid-19 làm rủi ro tài chính gia tăng, cộng với việc biến động địa chính trị phức tạp khiến giá vàng, giá dầu biến động mạnh; áp lực lạm phát, lãi suất… đều làm rủi ro gia tăng.

Ngoài ra, tại diễn đàn, các diễn giả của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các chuyên gia, ngân hàng thương mại và các công ty công nghệ đã chia sẻ giải pháp để giúp Fintech tiếp tục là đòn bẩy, mảnh ghép mấu chốt trong hệ sinh thái ngân hàng số, góp phần nâng tầm giá trị cốt lõi của ngân hàng cũng như những bài học kinh nghiệm thực tiến quý báu và lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.

Tin bài liên quan