Việc hoàn thiện khung pháp lý cho Fintech còn chậm

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho Fintech còn chậm

Fintech chờ “cất cánh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yếu tố quan trọng nhất tác động tới sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) là môi trường pháp lý, bởi yếu tố này xác định lĩnh vực được phép hoạt động.

Đang tăng trưởng nhanh

Những ngày cuối của năm 2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Nền tảng thanh toán này đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Được biết, vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho, Ngân hàng Toàn cầu Nhật Bản. Như vậy, chỉ trong 1 năm, MoMo đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn series D, Series E và vẫn bỏ ngỏ kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng Tổng giám đốc MoMo cho biết, nguồn vốn này thể hiện sự trân trọng và tin tưởng vào sứ mệnh của MoMo, đó là sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống người Việt, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính và những dịch vụ thiết yếu khác một cách đơn giản, thuận tiện, với chi phí thấp.

“Sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với MoMo, một sản phẩm công nghệ dành cho người Việt, được xây dựng hoàn toàn bởi bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam, chính là điều khích lệ lớn lao với đội ngũ kỹ sư, thúc đẩy chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị khác biệt”, ông Tường nói.

Trước đó, GIMO - một Fintech với nền tảng ứng lương tức thì cho người lao động Việt Nam - đã huy động được 1,9 triệu USD tại vòng hạt giống, do Integra Partners dẫn đầu. Được biết, Integra Partners là quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore, tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, ngoài ra còn có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế khác như Resolution Ventures, Blauwpark Partners và TNB Aura VN Scout.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, hoạt động Fintech tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, trong đó chủ yếu là thanh toán số và tài chính cá nhân. Giá trị giao dịch 2 lĩnh vực này trong năm 2021 ước tính lần lượt là 15 tỷ USD và 1,8 tỷ USD, những lĩnh vực còn lại là huy động vốn và cho vay có tỷ trọng rất nhỏ, tương ứng khoảng 0,02% và 0,01% tổng khối lượng giao dịch của các Fintech.

Số lượng người dùng Fintech cũng tăng trưởng tích cực, từ mức khoảng 26 triệu người dùng năm 2017 tăng lên 51 triệu người dùng tính đến cuối năm 2021 (số liệu ước tính). Còn theo McKinsey (2021), mức độ sử dụng Fintech và ví điện tử tại Việt Nam đã tăng nhanh từ mức 16% năm 2017 lên 56% năm 2021, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo TS. Lực, tại Việt Nam, số lượng người dùng dịch vụ Fintech để thanh toán năm 2020 vào khoảng 45,6 triệu người (tỷ lệ 47% dân số) và để thực hiện tài chính cá nhân là khoảng 1,02 triệu người (1% dân số), đều ở mức thấp so với quy mô dân số cũng như tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng của người dân (khoảng 70% - theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2020), còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ này chỉ khoảng 40% (2017), thấp hơn so với Trung Quốc (80%) và ngang bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (70%).

“Tỷ lệ người dùng dịch vụ Fintech để thanh toán tại Việt Nam được kỳ vọng tăng lên 80% vào năm 2025, theo Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chưa kể, 35% người trưởng thành Việt Nam chưa tiếp cận được vốn tín dụng (theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2020) cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực Fintech là rất lớn, nhất là trong huy động vốn và cho vay”, TS. Lực nói.

Do đó, dễ hiểu khi ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng Kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) chia sẻ rằng: “Mizuho đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là thị trường trọng tâm”.

Chờ ngày “cất cánh”

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận định, dù phát triển nhanh, nhưng quy mô của các công ty Fintech tại Việt Nam còn khiêm tốn. Báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước năm 2020 cho biết, về giai đoạn phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam, có 44,2% công ty đang trong giai đoạn khởi động, nhưng chưa đến thời điểm điểm hòa vốn; 26,4% đang trong giai đoạn ra mắt sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) và có doanh thu bán hàng trong 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm khảo sát; 2,94% đang trong giai đoạn chứng minh ý tưởng, nhưng chưa có doanh thu; 5,88% đang trong giai đoạn phát triển mô hình kinh doanh; 11,76% đạt đến giai đoạn hòa vốn; 8,82% đã có lợi nhuận.

Ảnh tác giả

Tỷ lệ người dùng dịch vụ Fintech để thanh toán tại Việt Nam được kỳ vọng tăng lên 80% vào năm 2025, chưa kể 35% người trưởng thành Việt Nam chưa tiếp cận được vốn tín dụng cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực Fintech, nhất là trong huy động vốn và cho vay.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

“Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ VNPAY là kiếm được nhiều tiền do không chỉ đơn thuần là trung gian thanh toán, mà còn làm mobile banking app cho các ngân hàng”, một chuyên gia tư vấn chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty tư vấn EY Việt Nam nêu quan điểm: “Thị trường Fintech Việt rất tiềm năng, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước”.

Một trong những thách được TS. Cấn văn Lực chỉ ra, đó là khung pháp lý hiện mới tập trung điều chỉnh phát triển công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động thanh toán, mà chưa quản lý, điều chỉnh bản chất của các hoạt động Fintech còn lại (nhưng không giới hạn) là tài chính cá nhân, bao gồm tư vấn đầu tư tự động, chuyển tiền xuyên biên giới, cho vay cộng đồng và ngang hàng, huy động vốn cộng đồng vì lợi nhuận và phi lợi nhuận...

“Thiếu quy định pháp lý, nhưng vẫn có sự hoạt động của các công ty Fintech này tại Việt Nam cho thấy khoảng trống lớn chính sách và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính khi số lượng người tham gia vào các Fintech sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai”, TS. Lực nói.

Để hạn chế rủi ro, ngày 6/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, dự kiến có 6 hoạt động gồm thanh toán, tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở (API); các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo và các dịch vụ hỗ trợ ngân hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của sandbox này là phạm vi tiếp cận còn tương đối hẹp (lĩnh vực ngân hàng), mà chưa mở rộng ra những lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...

Theo TS. Lực, Ngân hàng Nhà nước cần sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng làm tiền đề mở rộng sang lĩnh vực khác, cơ chế chia sẻ thông tin - dữ liệu giữa ngân hàng - fintech - trung gian thanh toán khác… Kinh nghiệm cho thấy, khung pháp lý đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Fintech, nhưng việc triển khai tại Việt Nam còn chậm.

“Fintech cần một cơ chế chuyên biệt mới giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cất cánh, nếu không vẫn chỉ loanh quanh câu chuyện cấp phép trung gian thanh toán là chính”, vị chuyên gia tư vấn trên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan