Fintech cho vay sắp thoát khỏi “vùng xám” pháp lý

Fintech cho vay sắp thoát khỏi “vùng xám” pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, Nghị định về sandbox được ban hành trong quý III/2023 và các thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành đầu năm 2024, giúp các Fintech trong lĩnh vực cho vay online thoát khỏi rủi ro pháp lý hiện nay.

Fintech cho vay online tiến thoái lưỡng nan vì thiếu khung pháp lý

Dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng tiềm năng. Tính đến cuối năm 2022, thị trường có 16 công ty tài chính và nhiều công ty Fintech cho vay online, phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội, khó có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng (người lao động thu nhập thấp, không ổn định, sinh viên…).

Trong những năm qua, các Fintech cho vay cùng với các công ty tài chính và ngân hàng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen, kích thích sản xuất tiêu dùng phát triển. Mặc dù vậy, thị trường cho vay tiêu dùng vẫn trong cảnh trắng đen lẫn lộn, nhiều Fintech cho vay bị đánh đồng với tín dụng đen. Điều này một phần do nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay và đòi nợ khủng bố, một phần do khung pháp lý về cho vay online chưa hoàn thiện. Đây là lý do khiến thời gian qua, nhiều Fintech cho vay phải cắt giảm tới 50% nhân sự, nợ xấu tăng 30%, buộc đứng trước hai lựa chọn lưỡng nan: Đóng cửa hoặc hoạt động một cách không chính thức với nhiều rủi ro về mặt pháp lý.

Trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo một Fintech trong lĩnh vực cho vay cho hay, hiện giải ngân mới của công ty đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nợ khó đòi tăng lên.

“Chúng tôi đang trong tình thế rời khỏi thị trường bất kỳ lúc nào, bởi không nhìn thấy được triển vọng phát triển”, vị lãnh đạo này cho biết.

Hiện nay, tiêu dùng được xác định là một trong 3 động lực phục hồi kinh tế, song cho vay tiêu dùng lại đang chịu áp lực suy giảm nặng nề sau các động thái thanh tra, kiểm tra của cơ quan công an.

Mặc dù có những mặt trái cần chấn chỉnh, song không thể phủ nhận hoạt động cho vay của các công ty tài chính, Fintech… thời gian qua đã giúp hàng chục triệu người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn với quy trình cho vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, qua đó nâng cao chất lượng đời sống, thực hiện đẩy lùi “tín dụng đen. Việc thiếu hành lang pháp lý không chỉ khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp rủi ro mà khiến cho các nhà đầu tư cũng bị vạ lây. Hàng loạt mô hình P2P đổ vỡ do thiếu pháp lý thời gian qua (VO247, Fiin Credit…) là ví dụ điển hình.

Theo các chuyên gia kinh tế, fintech cho vay đứng trước hai rủi ro lớn nhất là rủi ro pháp lý và rủi ro tín dụng. Về rủi ro pháp lý, hiện nay, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động trong vùng xám pháp lý và khách hàng không được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng. Chính vì rủi ro pháp lý dẫn tới rủi ro tín dụng.

Đáng tiếc, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) trình Chính phủ cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa được ban hành.

Trao đổi với Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng: “Không khuyến khích cho vay tiêu dùng thì làm sao kinh tế tăng trưởng được. Theo tôi, mô hình fintech cho vay rất cần có cái nhìn cởi mở hơn, cho phép thử nghiệm rộng rãi, không nên quản chặt quá. Chúng ta không thể coi fintech cho vay như một ngân hàng, song cũng không thể để hoạt động tự do, nên cần có sandbox để điều chỉnh dần. Đáng tiếc là đã 3 - 4 năm rồi mà sandbox vẫn chưa được ban hành”.

Sandbox lĩnh vực ngân hàng sẽ được ban hành vào quý III/2023

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Nghị định về sandbox đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ khoảng 2 năm nay. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023.

“Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Nếu như trong quý III/2023 này, Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan. Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024”, ông Tuấn cho hay.

Nghị định về Sandbox ra đời là tin vui không chỉ với cộng đồng khởi nghiệp, mà còn với các khách hàng. Bởi việc có hành lang pháp lý đầy đủ không chỉ bảo vệ quyền lợi của fintech mà còn của cả người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao về sự ra đời của Nghị định về sandbox trong hoàn thiện hành lang pháp lý.

Trước đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng; Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.

Ngoài câu chuyện hành lang pháp lý, vấn đề được nhiều chuyên gia khuyến nghị hiện nay là đảm bảo quyền đòi nợ của bên cho vay. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vấn đề của thị trường tài chính tiêu dùng là ban hành quy định, hành lang pháp lý sao cho vừa tạo điều kiện phát triển, lại vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát chuẩn chỉnh chứ không nên cấm. Điều khó nhất trong tổ chức tín dụng là đòi nợ bất hợp pháp thì cần nghiên cứu để có giải pháp chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ, tránh bị đánh lẫn với "tín dụng đen"; thậm chí, cần có đạo luật riêng xử lý nợ xấu nhằm giải quyết các vấn đề trên.

Tin bài liên quan