Gần 40% người Mỹ không có đủ tiền để chi tiêu trong lúc khẩn cấp

Gần 40% người Mỹ không có đủ tiền để chi tiêu trong lúc khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát dai dẳng và chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của người tiêu dùng Mỹ.

Đây là điều mà ai cũng biết, nhưng dữ liệu mới từ Fed cho thấy rõ người tiêu dùng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khảo sát Sức khỏe Kinh tế của các hộ gia đình Mỹ năm 2022 của Fed cho biết, có khoảng 37% người Mỹ không có đủ tiền để trang trải chi phí khẩn cấp khoảng 400 USD. Tỷ lệ này tăng 5% so với năm 2021.

Điều đó đồng nghĩa rằng cứ 3 người tiêu dùng Mỹ thì có hơn 1 người sẽ phải dùng đến thẻ tín dụng, nhờ vả người thân, bán tài sản, hoặc vay nợ để trang trải cho bất kỳ chi phí lớn đột biến nào.

Khi được hỏi về các khoản chi không cấp thiết, có khoảng 18% người Mỹ cho biết họ chỉ có thể xoay xở bằng tiền tiết kiệm và khoản tiền chi ra là dưới 100 USD.

Các chuyên gia nghiên cứu của Fed cho biết rằng, khảo sát năm 2022 cho thấy tình hình tài chính mà người dân tự báo cáo đang nằm trong các ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2016. Họ cho rằng giá cả cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các hộ gia đình.

Khảo sát các hộ gia đình mới nhất của Fed cho biết, có tới 35% người Mỹ (con số cao nhất từ trước đến nay) cho rằng tình hình tài chính của họ đã xấu hơn so với một năm trước rất nhiều.

Tuy nhiên, khảo sát này cũng cho thấy một số điểm sáng do tỷ lệ thất nghiệp của người lao động vẫn ở mức thấp.

Bất chấp một loạt dự báo suy thoái kinh tế của Phố Wall, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 54 năm qua. Fed phát hiện thấy có khoảng 1/3 người trưởng thành Mỹ được tăng lương hoặc thăng chức trong năm 2022 trong bối cảnh thị trường lao động phát triển mạnh mẽ.

Rắc rối lớn với hầu hết người Mỹ là mức tăng lương của họ không bắt kịp với lạm phát. Cục Thống kê Lao động Mỹ chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, tiền lương trung bình thực tế theo giờ của người lao động đã giảm khoảng 0,5%.

Ngoài ra, khảo sát của Fed chỉ ra rằng, trong năm 2022, số người trưởng thành phải chi tiêu nhiều hơn trên thực tế cao hơn số người chứng kiến thu nhập gia tăng. Cụ thể, có khoảng 44% người Mỹ cho biết họ phải chi tiêu nhiều hơn, trong khi chỉ 33% người cho rằng họ kiếm được nhiều tiền hơn.

Gánh nặng tài chính khi chi phí vay nợ cao và giá cả gia tăng cao cũng được thể hiện trong xu hướng chi tiêu năm 2023.

Bà Claire Tassin, nhà phân tích ngành bán lẻ và thương mại điện tử tại Morning Consult cho rằng, chi tiêu tổng thể của người tiêu dùng vẫn bền bỉ trong năm 2023. Tuy nhiên, nhiều người đang tránh các mặt hàng không thiết yếu có giá bán cao, và đó là bằng chứng của tác động từ lạm phát kéo dài.

Bà Tassin cho biết thêm, cuộc khảo sát tháng 4 cho thấy khoảng 85% người Mỹ lo ngại về tác động của lạm phát đối với tài chính của các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng đang tiếp tục phải thực hiện những đánh đổi khó khăn và trì hoãn các khoản mua sắm để đáp ứng nghĩa vụ tài chính.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon cho rằng, lạm phát kéo dài và lãi suất tăng cao đang hạ nhiệt thị trường lao động và khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong cách chi tiêu.

Ông Daco nhận định, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào thời kỳ khó khăn khi những điểm yếu trong tài chính của người Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn trong thị trường hiện nay, bởi chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% GDP Mỹ. Ông dự đoán, Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong thời gian ngắn.

Tin bài liên quan