Gạo, rau quả, cà phê 'đắt hàng' xuất khẩu từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Rau quả, gạo, cà phê tiếp tục “bùng nổ” đơn hàng ngay từ đầu năm 2024, báo hiệu một năm kinh doanh bận rộn.
Gạo, rau quả, cà phê 'đắt hàng' xuất khẩu từ đầu năm

Chỉ dấu tích cực

“Chúng tôi vừa xuất khẩu lô hàng sầu riêng đi Trung Quốc, xoài An Giang đi Hoa Kỳ, Australia... Tín hiệu thị trường khá tốt, đơn hàng từ các khách hàng truyền thống vẫn kín”, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng tại An Giang, được Vina T&T xuất khẩu với sản lượng 6 tấn sang Australia và 1 tấn sang Hoa Kỳ.

Những đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm của Vina T&T và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đã mang đến kỳ vọng về một năm kinh doanh bận rộn, hiệu quả, trong bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo còn nhiều khó khăn.

Năm 2023, xuất khẩu của Vina T&T Group tăng 40% so với năm 2022, chủ yếu là trái cây tươi như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa… và được xuất sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Trung Quốc. Doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay duy trì ở mức 2 con số nhờ tín hiệu thị trường khá thuận lợi.

Công tác đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản sang thị trường tỷ dân (Trung Quốc) là một trong những lý do khiến rau quả ghi điểm xuất khẩu. Năm ngoái, rau quả trở thành điểm sáng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt kim ngạch tới 5,6 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng đóng góp 2,4 tỷ USD, rau quả chế biến hơn 1 tỷ USD.

Về đích năm 2023 với sản lượng 1,61 triệu tấn cà phê xuất khẩu, thu về 4,2 tỷ USD, dù so với năm trước đó, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, nên kim ngạch tăng 3,1%. Đầu năm nay, ngành cà phê không chỉ đón thêm đơn hàng xuất khẩu mới, mà giá xuất khẩu cũng tăng.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022. Đà tăng giá cà phê xuất khẩu tiếp diễn trong tháng đầu năm 2024 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất hàng đầu thế giới cũng như mối lo nguồn cung bị chậm khi tuyến vận tải hàng hải Âu - Á qua kênh đào Suez bị gián đoạn.

Trong khi đó, ngành gạo cũng có đóng góp rất đáng kể sau một năm xuất khẩu vô cùng thành công. Hơn 8 triệu tấn gạo các loại được xuất khẩu, mang về doanh thu hơn 4,8 tỷ USD. Nhiều thời điểm trong nửa cuối năm 2023, doanh nghiệp không dám ký đơn hàng mới do lo giá cả biến động và không giao hàng kịp tiến độ.

Việc Việt Nam duy trì lượng gạo xuất khẩu ở mức 7 - 8 triệu tấn/năm cho thấy, nguồn cung ổn định, chuỗi cung ứng đã được hình thành, đối tác nước ngoài có nhu cầu cao nhập khẩu gạo Việt Nam.

Tiếp tục ghi điểm tại nhiều thị trường lớn

Năm 2024, xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện.

Nông sản Việt đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, nhưng với những thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, đến nay, nông sản Việt mới chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân này. Hay tại Mỹ, EU, Nhật Bản còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Sau thành công của sầu riêng tươi, năm 2024, sầu riêng đông lạnh sẽ là đích đến tiếp theo. Việt Nam đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ và dự kiến được thị trường Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trong đầu năm nay. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% nhờ mặt hàng này. Như vậy, sầu riêng sẽ đóng góp vào doanh thu xuất khẩu ngành rau quả khoảng 3,5 tỷ USD.

Ngoài ra, ngành chức năng Việt Nam đang tiếp tục xúc tiến để một số nông sản như trái dừa tươi được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu rau quả có lợi thế hơn, nhờ ưu đãi thuế quan, giúp nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt”.

Với ngành cà phê, nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu của nước ta sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Doanh nghiệp cho biết, giá xuất khẩu giao quý I/2024 tăng khoảng 3%.

Đối với ngành gạo, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, năm 2024, xuất khẩu gạo vẫn có nhiều cơ hội vì nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường lớn như Indonesia, Philippines, Trung Quốc vẫn gia tăng. Vấn đề là, khâu tổ chức sản xuất của ngành cần quy củ hơn để các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều có lợi, tạo động lực đầu tư cho sản xuất, chế biến bền vững.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, với biến động nguồn cung gạo thế giới do một số quốc gia như Ấn Độ siết xuất khẩu, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi, kỳ vọng mang về doanh thu xuất khẩu lớn hơn.

Năm ngoái, 3 ngành xuất khẩu kể trên đã mang về doanh thu trên 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Với đơn hàng về nhiều, các ngành hàng này có thể cán đích doanh thu 17-17,5 tỷ USD trong năm nay.

Tin bài liên quan