Xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi trong năm 2024

Về đích năm 2023 với sản lượng 1,61 triệu tấn cà phê xuất khẩu, thu về 4,2 tỷ USD. Mặc dù so với năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, nên ngoại tệ mang về tăng 3,1%.

Năm qua, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.

Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn do hậu quả kép từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Số liệu của Eurostat, trong 9 tháng đầu năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) giảm nhập khẩu cà phê từ thế giới, mức giảm 6,8% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 14,51 tỷ EUR (tương đương trên 16 tỷ USD).

Tuy nhiên, EU tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức tăng 10,8% về lượng và tăng 11% về trị giá, đạt 558,6 nghìn tấn, trị giá 1,28 tỷ EUR (tương đương 1,41 tỷ USD). Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 8,81% tổng kim ngạch ngạch nhập khẩu của EU từ thế giới.

Trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.(Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.(Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân EU có sự thay đổi và hiệp định thương mại tự do song phương EVFTA giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại EU trong thời gian tới.

Ngoài EU, một thị trường khác là Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, 9 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ thế giới, mức giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,18 tỷ USD. Dù vậy, Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức tăng 5,9%, đạt 204 triệu USD, thị phần chiếm 17,22% trong 9 tháng đầu năm 2023.

"Từ số liệu phân tích trên có thể thấy, ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ thị hiếu tiêu dùng cà phê trên thế giới có sự chuyển dịch sang cà phê Robusta có giá thành thấp hơn", Bộ Công thương nhận định.

Cuối năm 2023, giá cà phê thế giới liên tục tăng và ghi nhận mức cao kỷ lục do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, mối lo nguồn cung bị chậm khi tuyến vận tải hàng hải Âu – Á qua kênh đào Suez bị gián đoạn.

Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Xu hướng giá tăng cũng được thể hiện trên sàn giao dịch London. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2024, tháng 3/2024, tháng 5/2024 và tháng 7/2024 tăng lần lượt 21,9%, 15%, 13,6% và 12,8% (so với ngày 30/11/2023), lên mức 3.075 USD/tấn, 2.837 USD/tấn, 2.766 USD /tấn và 2.704 USD/tấn.

Có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu trong năm 2024. Quý I/2024, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), ước tính tồn kho cà phê Robusta thế giới trong niên vụ 2023/2024 đạt 26,5 triệu bao (loại 60kg), giảm 16,7% so với báo cáo trước đó và giảm 4% so với ước tính niên vụ 2022/2023.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD.

Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800.000 ha, Bờ Biển Ngà gần 800.000 ha.

Tin bài liên quan