Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm có sản lượng và giá bán tốt hơn hẳn cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm có sản lượng và giá bán tốt hơn hẳn cùng kỳ.

Gạo tăng giá, xuất khẩu bội thu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu tăng mạnh giúp giá bán tốt hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đứng trước cơ hội tăng trưởng đột biến về lợi nhuận.

Thị trường thuận lợi

Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo được đưa ra, ngành gạo có cơ hội tăng trưởng tốt, nhu cầu gạo gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine càng thúc đẩy nhu cầu dự trữ gạo, theo đó giá bán cũng tốt hơn.

Giá bán gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới tuần qua tăng khoảng 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 11/3/2022 được chào bán trên thị trường thế giới ở mức 413 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm cũng tăng thêm 5 USD/tấn, bán ra ở mức 388 USD/tấn, gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 338 USD/tấn.

Trong hai tháng đầu năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt 469 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, sản lượng xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 6,3 triệu tấn.

Dưới góc nhìn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), năm nay, ngành gạo sẽ được mùa, được giá. Gạo của Trung An được xuất khẩu với giá khá tốt, từ 650 - 1.000 USD/tấn, tuỳ từng thị trường.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) cũng thông tin vừa mới ký kết mua bán – tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm nay với các công ty, đại lý nông sản.

Trước đó, trong tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), đơn vị thành viên của LTG đã xuất lô hàng 4.500 tấn gạo trị giá hơn 3 triệu USD đi châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á. Tính bình quân, đơn giá xuất khẩu của lô hàng này khoảng 666 USD/tấn.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu dành để tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu vào khoảng 6 - 6,5 triệu tấn/năm. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng gạo cả nước và đóng góp đến 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm.

Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam so với các nước vẫn có nhiều lợi thế về giá (so với gạo Thái Lan) và về chất lượng (so với gạo Ấn Độ và Pakistan). Đơn cử, gạo 5% tấm của Thái Lan đang bán với giá 425 USD/tấn, cao hơn 12 USD/tấn so với gạo Việt Nam.

Từ tháng 3/2022, bước vào vụ thu hoạch lúa Đông- Xuân, xuất khẩu gạo dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn. Cùng với đà tăng của giá gạo trên thị trường thế giới, giá gạo tại thị trường nội địa cũng đang nhích lên. Doanh nghiệp ngành gạo đang đứng trước cơ hội tăng trưởng doanh thu tốt.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận cao

Doanh nghiệp ngành gạo đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện để mở rộng tăng trưởng. Đó là tín hiệu lạc quan về xuất khẩu, giá bán tăng cao giúp cải thiện biên lợi nhuận và doanh nghiệp ngành gạo đã có kinh nghiệm thích ứng linh hoạt hơn với điều kiện sản xuất an toàn trong đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, năm 2022, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU với dòng sản phẩm gạo chất lượng cao, chủ yếu là gạo thơm. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mang cơ hội tốt đến với ngành gạo.

Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm và tự do hoá hoàn toàn với gạo tấm. Mỗi năm, theo cam kết này, Việt Nam có thể xuất khẩu vào EU khoảng 100.000 tấn gạo. EU sẽ đưa thuế suất về 0% đối với sản phẩm từ gạo Việt Nam sau 3-5 năm, mở ra cơ hội cạnh tranh lớn cho gạo Việt Nam tại thị trường này.

Các doanh nghiệp gạo đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, châu Mỹ… Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với năng lực sấy gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày, cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, Công ty có đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…

Mirae Asset dự báo, năm 2022, mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời dự kiến mang về doanh thu 5.075 tỷ đồng, tăng 24,5% cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, mảng gạo sẽ mang lại tốc độ tăng trưởng doanh thu cao cho Lộc Trời.

Mirae Asset dự báo, năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ Lộc Trời đạt 11.560 tỷ đồng và 675 tỷ đồng, tăng 13,1% và 60,1% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 20,2% sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid. Riêng mảng xuất khẩu gạo dự kiến mang về doanh thu 5.075 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ.

Hội đồng quản trị TAR đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng, gấp gần 6 lần mức thực hiện năm ngoái. Song nhà đầu tư nhìn nhận, lợi nhuận tăng trưởng đột biến này có thể đến từ khoản tiền chuyển nhượng đất của TAR dự kiến thực hiện trong năm.

Cụ thể, TAR lên kế hoạch chuyển nhượng khu đất rộng 10.904 m2 ở phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) trước ngày 30/6/2022.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu đạt 8.004 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng, tăng gấp đôi về doanh thu và tăng 22% về lợi nhuận.

Theo AGM, chiến lược phát triển của Công ty trong giai đoạn mới là khép kín chuỗi cung ứng lúa gạo. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Angimex (AGM-Agritech) – công ty con của AGM sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2022. Doanh nghiệp này sẽ cung cấp máy móc, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân như thiết bị bay không người lái (drone) để theo dõi tình hình sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật; máy phun sạ lúa giống; máy gặt đập liên hợp…

Ngoài ra, Công ty góp vốn liên doanh với các đối tác Nhật Bản để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất bột gạo, bánh gạo, bún gạo, miến gạo… vừa có biên lợi nhuận cao hơn, vừa tận dụng nguồn phụ phẩm từ chế biến gạo xuất khẩu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGM liên tục tăng từ ngày 21/2 - 15/3, trong đó có đến 5 phiên tăng trần, kéo giá cổ phiếu này từ mức 37.200 đồng/cổ phiếu trong phiên 18/2 lên 62.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/3.

Dù cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, do ảnh hưởng từ đà tăng phi mã của giá dầu và chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã chủ động ứng phó với rủi ro này.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc TAR, nhiều doanh nghiệp hiện nay không chào hàng giá CIF (gồm tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) nữa, mà chào bán giá FOB (đã bao gồm chi phí chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu, thuế làm thủ tục xuất khẩu nhưng chưa bao gồm chi phí vận chuyển đường biển và bảo hiểm đường biển).

Về triển vọng cổ phiếu ngành gạo, giới quan sát nhận định, những chuyển động mới từ nội tại các doanh nghiệp cùng với thuận lợi từ thị trường xuất khẩu sẽ tạo động lực tăng trưởng cho cổ phiếu nhóm này.

Tin bài liên quan