Giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng

0:00 / 0:00
0:00

Những hy vọng về việc phát triển thành công vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm nhu cầu dầu mỏ thế giới phục hồi đã đẩy giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong hơn 2 tháng.

Một cơ sở khai thác dầu ở al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu ở al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11, giá dầu Brent tăng 19 cent Mỹ lên 43,80 USD/thùng. Trước đó trong cùng phiên giao dịch, giá dầu Brent đã lên tới 45,30 USD/thùng - lần đầu tiên vượt mốc 45 USD/thùng kể từ đầu tháng 9 vừa qua. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 9 cent Mỹ lên 41,45 USD/thùng, sau khi lập mức cao nhất trong phiên là 43,06 USD/thùng.

Cả hai loại dầu Brent và WTI đều tăng giá khoảng 11% trong tuần này sau khi công ty dược phẩm BioNTech của Đức và hãng đối tác Pfizer của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm cho thấy loại vaccine phòng COVID-19 do hai công ty trên hợp tác phát triển đạt hiệu quả tới 90%.

Chuyên gia John Kilduff tại trung tâm Again Capital cho rằng kỳ vọng có vaccine hiệu quả có thể khôi phục nhu cầu về nhiên liệu. Các biện pháp giãn cách xã hội ở châu Âu và Mỹ để phòng chống COVID-19 đã làm chậm quá trình phục hồi nhu cầu nhiên liệu, nhưng sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á khiến tiêu thụ dầu ở khu vực này gần như đã trở lại mức trước dịch COVID-19.

Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước xuống còn khoảng 482 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức dự báo giảm 913.000 thùng của các nhà phân tích trước đó.

Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Algeria cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến năm 2021, hoặc thậm chí lâu hơn nữa.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cùng ngày biến động trái chiều, với đà tăng mạnh của chỉ số Nasdaq, trong khi chỉ số Dow Jones đi xuống, do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,08% xuống 29.397,63 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,01% lên 11.786,43 điểm sau hai phiên giảm. Cùng đà tăng, chỉ số S&P 500 tăng 0,77% lên 3.572,66 điểm.

Các nhà phân tích nhận định chứng khoán Mỹ có được lực đẩy nhờ những thông tin lạc quan về vaccine phòng COVID-19 làm gia tăng hy vọng của thị trường về khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm trở lại bình thường.

Theo các chuyên gia, sau khi chịu sức ép từ hoạt động bán ra trong vài phiên qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin đang phục hồi. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mở cửa tăng mạnh và nhanh chóng vượt qua mức kỷ lục ghi nhận trong tháng 2, song lại quay đầu giảm vào cuối phiên do hoạt động chốt lời.

Chuyên gia Sam Stovall của CFRA Research dự đoán trong thời gian tới những biến động trên thị trường vẫn sẽ ở mức cao, do tác động từ những phản ứng của ông Donald Trump về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

Tin bài liên quan