Giá dầu kéo dài đà tăng sau quyết định của OPEC+

Giá dầu kéo dài đà tăng sau quyết định của OPEC+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, giá dầu tiếp tục kéo dài đà tăng trong phiên sáng ngày 5/10 sau quyết định của OPEC+ vẫn duy trì nguồn cung tăng dần theo kế hoạch, bất chấp thị trường đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Hợp đồng tương lai WTI giao dịch gần 78 USD/thùng trong sáng ngày 5/10 sau khi tăng 2,3% trong ngày 4/10. Một số nhà quan sát thị trường đã kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng hơn kế hoạch do giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm dầu và dầu thô trước mùa đông.

Thị trường dầu thô thắt chặt khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và mô hình từ OPEC dự đoán thâm hụt nguồn cung toàn cầu sẽ diễn ra trong 2 tháng tới. Goldman Sachs dự báo, nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 650.000 thùng/ngày vào cuối năm nay khi các cơ sở dịch vụ chuyển từ giá khí đốt tự nhiên chuyển sang dầu, trong khi tập đoàn Saudi Aramco cho biết, cuộc khủng hoảng khí đốt đã thúc đẩy tiêu thụ dầu thô.

Will Sungchil Yun, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của VI Investment Corp cho biết: “Giá dầu có thể sẽ vẫn được hỗ trợ trong quý cuối năm với việc chuyển đổi từ khí đốt và than đắt đỏ làm tăng tiêu thụ dầu”.

Quyết định của OPEC+ “sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục bình thường hóa tình hình thị trường”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong bài phát biểu tại cuộc họp. Các bộ trưởng sẽ gặp lại nhau để thảo luận về chính sách sản xuất vào cuộc họp ngày 4/11.

“Tôi cho rằng, đối với OPEC, họ có thể chỉ nói “hãy nhìn xem, đây không phải là cuộc khủng hoảng của chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì nhiều để giải quyết nó”. Sản lượng dầu tăng thêm có thể gây thêm một chút áp lực giảm giá nhưng chúng sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách cung cấp thêm dầu”, Richard Gorry, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn JBC Asia Pte cho biết.

Tại sao OPEC quyết định giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng?

Trong tuần trước, Tổng thư ký OPEC Mohamed Barkindo cho rằng, thế giới không thể thiếu đầu tư vào dầu mỏ. Tuy nhiên, sự thúc đẩy mạnh mẽ của châu Âu, Mỹ và gần đây là Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng năng lượng là bằng chứng đủ cho thấy, thế giới vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới là một hồi chuông cảnh tỉnh. Tất cả đều quay trở lại vấn đề đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí”, Tổng thư ký OPEC Barkindo cho biết.

Tháng trước, Vortexa báo cáo rằng, có sự chênh lệch đáng kể về năng lực xuất khẩu của các thành viên OPEC+ khác nhau. Trong khi Ả Rập Xê Út và UAE tăng tổng xuất khẩu khoảng 1,9 triệu thùng/ngày trong quý III, tất cả các nhà sản xuất khác trong nhóm đều ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, rất nhiều thành viên OPEC đang gặp phải tình trạng thiếu đầu tư kinh niên, và tình trạng này thậm chí còn trầm trọng do ảnh hưởng bởi đại dịch từ năm ngoái. Các ngân hàng cũng trở nên ít sẵn sàng tài trợ cho các dự án dầu khí và các công ty chịu trách nhiệm cho các dự án này.

Nhìn chung, Big Oil đang quay lưng lại với những gì đã tạo nên Big Oil. Và đó là tin xấu cho năng lực sản xuất. Nếu không có năng lực sản xuất đó, ngay cả thành viên OPEC thân thiện với phương Tây nhất cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu thêm dầu khi các thùng dầu trong kho đã cạn kiệt.

Tin bài liên quan