Phố Wall có phiên rung lắc mạnh đầu tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên rung lắc mạnh đầu tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu lên đỉnh, chứng khoán thoát hiểm

(ĐTCK) Trong phiên đầu tuần mới, nhận được thông tin hỗ trợ, giá dầu thô đã tăng hơn 5%, lên mức đỉnh của năm 2016. Trong khi chứng khoán lúc đầu giảm giá khá mạnh, nhưng đã hồi dần cuối phiên.

Việc giá dầu thô tăng mạnh trong phiên đầu tuần đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh 2,4%. Tuy nhiên, phố Wall lại bị rung lắc khá mạnh trong phiên thứ Hai do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số. Tuy nhiên, về cuối phiên, phố Wall đã đảo chiều, giúp Dow Jones và S&P 500 thoát hiểm, còn Nasdaq hạn chế số điểm bị mất.

Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones tăng 67,18 điểm (+0,40%), lên 17.073,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,77 điểm (+0,09%), lên 2.001,76 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,77 điểm (-0,19%), xuống 4.708,25 điểm.

Dù nỗ lực hồi phục, nhưng chứng khoán châu Âu đã không thể về vạch xuất phát. Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tiện ích bắt nguồn từ Tập đoàn EDF sau khi Giám đốc Tài chính Thomas Piquemal từ chức.

Ngoài ra, sự suy yếu của nhóm ngân tài chính ngân hàng sau khi các nhà môi giới cắt giảm giá mục tiêu khi nhiều dự đoán cho rằng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, cũng ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường chứng khoán châu Âu, bất chấp giá dầu thô tăng mạnh.

Kết thúc phiên 7/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,03 điểm (-0,27%), xuống 6.182,4 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 45,24 điểm (-0,46%), xuống  9.778,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,33 điểm (-0,32%), xuống 4.442,29 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi 4 ngày tăng liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Hai. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông gần như không thay đổi, bất chấp chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi phục mạnh.

Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 103,46 điểm (-0,61%), xuống 16.911,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 16,98 điểm (-0,08%), xuống 20.159,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 23,19 điểm (+0,81%), lên 2.897,34 điểm.  

Trên thị trường vàng, áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng sau khi giá kim loại quý này chạm mức cao nhất 13 tháng ở cuối tuần trước. Tuy nhiên, việc đồng USD yếu, cũng như những phát biểu của quan chứng Fed cảnh báo về lạm phát của Mỹ đã hỗ trợ cho giá vàng đảo chiều tăng giá trong phiên đầu tuần, dù mức tăng còn khiêm tốn.

Kết thúc phiên 7/3, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,63%), lên 1.267,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 3,9 USD (+0,31%), lên 1.264,0 USD/ounce.

Ngay trong phiên đầu tuần mới, giá dầu đã nhận được thông tin hỗ trợ khi Ecuador cho biết, họ đã tổ chức một cuộc họp với các nhà sản xuất Mỹ Latinh Venezuela, Colombia, Ecuador và Mexico để tìm kiếm một giải pháp neo giá dầu ở mức cao.

Thông tin này giúp giá dầu thô tăng vọt 5% trong phiên đầu tuần, trong đó giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 40,84 USD/thùng - mức cao nhất từ đầu năm 2016, sau khi chạm mức đỉnh cao nhất phiên là 41,04 USD/thùng, mức cao nhất từ tháng 9/2015.

Kết thúc phiên 7/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,98 USD (+5,22%), lên 37,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,12 USD (+5,19%), lên 40,84 USD/thùng.

Tin bài liên quan