Giá dầu vượt 115 USD/thùng, vẫn do nguồn cung

Một ngày sau khi đạt đỉnh 114USD/thùng, giá dầu tại thị trường New York ngày 16/4 lại lần đầu tiên vượt ngưỡng mức 115 USD/thùng vẫn do lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung, sau khi Chính phủ Mỹ thông báo cắt giảm các kho dự trữ năng lượng và trong bối cảnh đồng đôla Mỹ giảm thấp nhất so với đồng euro, ở mức 1 euro ăn 1,5947 USD.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng Năm đã tăng 1,28 USD lên mức 115,07 USD/thùng, chỉ chưa đầy 25 phút trước khi thị trường New York đóng cửa vào 15 giờ (15 giờ GMT). Tim Evans, nhà phân tích của Citigroup, nói: "Với lượng dầu thô xuất khẩu của Mêhicô giảm do thời tiết xấu và thông tin về nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc tăng 49% trong tháng 3/2008, thị trường dầu lửa thế giới trở nên khá nhạy cảm trước những lo ngại về nguồn cung".

Mêhicô cho biết ngày 14/4 nước này đã đóng cửa 4 điểm xuất khẩu do thời tiết xấu, trong khi hãng dầu khổng lồ Shell nói việc vận chuyển hơn 1,1 triệu thùng/ngày qua đường ống Calpine ở Mỹ bị gián đoạn tạm thời. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng giảm sút sản lượng gần đây đang gây ra sự quan tâm đặc biệt, trong khi vẫn tồn tại những quan ngại dai dẳng về lượng dầu dự trữ của các nước tiêu thụ dầu chính. John Mayer, nhà phân tích của Fairfax , nói: "Dầu thô đang trở nên khan hiếm và thị trường dầu lửa hết sức nhạy cảm với những tin tức về mọi sự gián đoạn nguồn cung".

OPEC thanh minh

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo công bố ngày 15/4 đã giữ nguyên dự đoán nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2008, do cho rằng giá dầu cao và đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ làm giảm mức tăng nhu cầu ở các nước công nghiệp chủ chốt, cho dù nhu cầu dầu thô vẫn mạnh ở các nơi khác.

Trong báo cáo tháng 4 của OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới được dự đoán tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2008 lên mức trung bình 86,97 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thời tiết mùa đông dịu hơn ở một số nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là những lý do chính ẩn chứa đằng sau mức nhu cầu yếu kém.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ của các nước ngoài OECD, chủ yếu từ Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ và Mỹ Latinh, được dự đoán sẽ tăng mạnh, bù lại mức nhu cầu yếu hơn của OECD trong năm nay.

OPEC giữ  nguyên dự đoán tốc độ tăng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2007 với mức tăng 1,4%, tương đương với 1,2 triệu thùng/ngày, lên 85,76 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh ở các nước ngoài OECD đã chiếm gần như toàn bộ tốc độ tăng nhu cầu dầu mỏ trong năm ngoái.

Nga "đổ thêm dầu vào lửa"

Đúng vào thời điểm này, trong báo cáo mới nhất, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho hay sản lượng dầu mỏ của Nga năm nay đã giảm, lần giảm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi giá dầu thô tăng cao ở mức kỷ lục, các nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại về việc Nga hạn chế khai thác mặt hàng này sau khi đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế cao liên tiếp trong nhiều năm dưới thời Tổng thống Putin. Những quyết định của tân Tổng thống mới của Nga Medvedev trong việc khai thác dầu khí của Nga được xem là có ảnh hưởng lớn đối với thị trường dầu mỏ thế giới.

Thống kê của các tổ chức dầu mỏ quốc tế cho thấy sản lượng dầu khai thác của Nga sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Nếu tính từ năm 1991, mỗi ngày Nga khai thác được 9,32 triệu thùng thì đến năm 1998, con số này giảm xuống còn 6,16 triệu thùng. Năm 2006, lượng khai thác dầu mỏ của Nga tăng ở mức kỷ lục 9,77 triệu thùng/ngày thì kể từ tháng 1-3/2008, lượng khai thác đã giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2007 và là mức giảm đầu tiên kể từ năm 1998. Mặc dù giới phân tích tài chính dự đoán lượng khai thác của Nga sẽ tăng khoảng 1,8%/năm, song thực tế đã không đúng như những gì được kỳ vọng. Ít nhất cho đến thời điểm này, các quan chức Nga cũng đã thừa nhận sự sụt giảm nói trên. Tuần trước, Bộ Năng lượng Nga đánh giá đây là một "sự đình trệ", còn Leonid Fedun, Phó chủ tịch tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn nhất Lukoil của Nga, thì cho rằng " thời kỳ sản xuất dầu mạnh nhất của Nga đang kết thúc".

Theo ông Artyom Konchin, nhà phân tích của Quỹ Aton Capital, thì nguồn cung dầu đang tạm lắng xuống của Nga hiện nay là do thuế cao và việc tái đầu tư kém hiệu quả vào các cơ sở hạ tầng có khả năng thúc đẩy gia tăng sản lượng khai thác

Việc sản lượng dầu mỏ của Nga được cho là đã đạt mức đỉnh điểm có thể khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu và giữ giá dầu khỏi leo thang. OPEC vẫn tự cho mình như là một nhà cung cấp bên lề của thế giới và chỉ ra tay cứu vớt trong trường hợp có những cú sốc về nguồn cung từ bên ngoài./.