Giá gạo thế giới được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao

Giá gạo thế giới được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tượng El Nino khuấy động thị trường gạo. Nhiều nước châu Á tất bật chuẩn bị các biện pháp ứng phó.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, thị trường gạo rơi vào hỗn loạn suốt nhiều tuần liền sau khi Ấn Độ, nước cung cấp 40% lượng gạo toàn cầu, tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Động thái này đã gây lo ngại cho các quốc gia từ châu Á tới châu Phi, nơi gạo là mặt hàng lương thực chính, đồng thời xuất hiện tình trạng găm giữ hàng của nhà xuất khẩu, hay tác động tăng lạm phát tại Philippines và Indonesia, các nước nhập khẩu gạo lớn.

Giá gạo sau đó vẫn duy trì ở mức cao bởi một rủi ro mới xuất hiện đó là hiện tượng El Niño tác động xấu tới hoạt động sản xuất lúa gạo.

Theo Hiệp hội các Nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan - một mặt hàng tiêu chuẩn tại Châu Á - đã leo thang suốt ba tuần liên tiếp để đạt mức 659 USD/tấn vào giữa tuần này. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008, đưa mức tăng về giá trong năm nay lên khoảng 38%.

Mặc dù giá gạo tăng mạnh gần đây, nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức giá kỷ lục được thiết lập vào tháng 4/2008, vượt 1.000 USD/tấn. Thời điểm đó, ngoài lý do thời tiết bất ổn tác động tới sản xuất, nguồn cung hạn chế và nhu cầu lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ đã đẩy giá mặt hàng này tăng thẳng đứng trong vòng 1 năm (đồ thị)

“Gạo rất khó khăn vì không có nhiều nhà cung cấp khác”, Joseph Glauber, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế ở Washington, chia sẻ: “Chính sách kiểm soát xuất khẩu của Ấn Độ để lại ‘một lỗ hổng lớn’ khó lấp đầy".

Ngân hàng Thế giới dự đoán: “Giá gạo sẽ vẫn ở mức cao cho đến năm 2024, nếu Ấn Độ duy trì các hạn chế xuất khẩu. Triển vọng giả định El Niño ở mức độ vừa phải đến mạnh”.

Diễn biến giá gạo thế giới từ năm 2000 đến nay

Diễn biến giá gạo thế giới từ năm 2000 đến nay

Hiện tại, nhiều quốc gia châu Á đang đưa ra cảnh báo. Indonesia đã lên kế hoạch nhập thêm lương thực trong năm nay và năm sau, Việt Nam khuyến khích nông dân bắt đầu vụ Đông - Xuân sớm từ đầu tháng này để tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ, Philippines cũng đang viện trợ giúp người trồng lúa ứng phó với thời tiết trong lúc giá gạo tăng cao.

El Niño là một hiện tượng khí hậu tự nhiên diễn ra theo chu kỳ,thường mang đến thời tiết nóng và khô dai dẳng tại nhiều khu vực châu Á, châu Phi và Nam Mỹ gây hạn hán, cháy rừng, tạo áp lực lên lưới điện, ảnh hưởng đến đánh bắt thủy sản và gây ra lũ lụt, cắt đứt giao thông tới các mỏ khai thác,…

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiệu ứng khí nhà kính lên môi trường, El Niño có xu hướng xảy ra đồng thời với tình trạng thời tiết cực đoan hơn. Nhiệt độ trung bình thế giới vào tháng 9 đã vượt qua kỷ lục sau mùa hè nóng nhất từ trước đến nay tại bán cầu Bắc.

Chính quyền Australia dự đoán El Niño sẽ còn kéo dài đến hết tháng 2/2024. Các chủ trang trại được cảnh báo phải chuẩn bị cho điều kiện khô hạn hơn bằng cách giảm bớt số lượng đàn bò.

Cũng có một số cây trồng hưởng lợi từ El Niño, ví dụ như hạnh nhân và bơ tại California, nơi sẽ nhận được lượng mưa lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm thiết yếu, từ gạo, ca cao, đường, lúa mì đến dầu dừa, phải đối mặt với điều kiện sinh trưởng khó khăn hơn.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Hiện một số nước, trong đó, có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn. Hay như Philippines, một đối tác quan trọng khác của Việt Nam, ngay trong năm 2023 này, ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Tin bài liên quan