Giá giảm, cổ phiếu ngành đường giảm "ngọt"

Giá giảm, cổ phiếu ngành đường giảm "ngọt"

(ĐTCK) Báo cáo kết quả kinh doanh quý II vừa qua chứng khiến sự đồng loạt giảm sút kết quả kinh doanh của ngành đường so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ngành mía đường liệu có phục hồi để cổ phiếu đem lại vị ngọt cho giới đầu tư những tháng cuối năm?

Giá giảm, cổ phiếu ngành đường giảm "ngọt" ảnh 1

Nửa đầu năm: doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Đây là điểm giống nhau giữa các DN mía đường đang niêm yết khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) thông báo lũy kế đạt 1.178 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên so với 310 tỷ đồng lợi nhuận năm trước, năm nay, lợi nhuận sau thuế của SBT giảm mạnh 32%, còn 210 tỷ đồng. Một DN lớn khác là CTCP Đường Lam Sơn (LSS), dù doanh thu vẫn tăng gần 10%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61,78 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. CTCP Mía đường 333 (S33) công bố doanh thu tăng 21,5%, nhưng lợi nhuận sụt giảm từ mức 34,2 tỷ xuống còn 24 tỷ đồng. Thông tin công bố của CTCP Đường Biên Hòa (BHS) cho thấy, doanh thu công ty mẹ tăng tới 24,8%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 4,7%.

Với các DN mía đường niêm yết còn lại, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 6 tháng đầu năm nay cũng giảm sút mạnh so với cùng kỳ. EPS cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum (KTS) dù đạt 5.576 đồng, nhưng là một sự thụt lùi lớn so với mức 16.897 đồng cùng kỳ năm trước. EPS cổ phiếu SEC của CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) cũng giảm từ mức 4.039 đồng năm ngoái xuống còn 2.781 đồng. Duy nhất, CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) công bố doanh thu tăng nhẹ, EPS đạt 6.329 đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Sự ngoại lệ này có một phần đến từ lý do NHS thoái vốn khỏi các khoản đầu tư tài chính ở cổ phiếu SCR và STB.

 

Nửa cuối năm: nhiều thách thức

Chuyên viên phân tích ngành thực phẩm Vũ Thị Trà Lý của CTCK Bản Việt (VCSC) nhận xét, lợi nhuận ngành đường giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm có lý do từ việc giá bán sản phẩm giảm. Đáng lo ngại là xu hướng giảm giá vẫn tiếp diễn và khá bất thường so với chu kỳ những năm trước đây. Đặc biệt, khi giá bán giảm, các DN mía đường lớn như LSS, SBT sẽ có biên lợi nhuận giảm mạnh hơn các DN cùng ngành khi đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với người trồng mía ngay từ đầu vụ.

Ông Trương Quang Tôn, Phó Giám đốc Phát triển thị trường CTCP Thành Thành Công lý giải, sự giảm giá đường hiện nay bắt nguồn từ đường nhập lậu. Với mức bán thấp hơn hẳn giá đường sản xuất trong nước, đường nhập lậu đang tràn vào Việt Nam gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp toàn ngành.

Giải thích về căn nguyên giá thành sản xuất của các công ty đường trong nước cao hơn giá thành các quốc gia trong khu vực, chị Lý chỉ ra nguyên nhân chính yếu là năng suất ngành rất thấp. “Ngoài ra, không loại trừ lý do giá bán đường nội địa bị lũng đoạn từ các đại lý trung gian, nên luôn cao hơn khu vực”, chuyên viên của VCSC bình luận.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam cho biết, giá đường hiện tại giảm là một tín hiệu không mấy tích cực đối với ngành. Vì điều này, Hiệp hội dự báo, cuối năm nay, không loại trừ sẽ có công ty mía đường nội địa bị lỗ. Không phủ nhận nguyên nhân năng suất thấp khiến giá thành đường Việt Nam cao, nhưng ông Hải giải thích, một phần của mức giá thành cao vì nhà máy phải bảo vệ, giữ gìn vùng nguyên liệu.

“Giá thu mua mía đường của các công ty nội địa hiện từ 50 - 60 USD/tấn, trong khi tại Thái Lan chỉ 40 USD/tấn. So với các quốc gia khác thì giá thu mua của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, tuy nhiên, khó có thể giảm xuống vì còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của những người trồng mía. 70 - 80% giá thành đầu vào của ngành đường là giá mía tươi. Với mức giá thu mua cao, đương nhiên giá thành cao. Khi giá đường giảm, hiệu quả hoạt động của các công ty trong ngành giảm”, ông Hải nói.

Nói về tình hình sản xuất tại LSS, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS đánh giá, mặc dù nỗ lực, những tháng cuối năm sẽ khá áp lực cho Ban lãnh đạo Công ty trong việc hoàn thành các chỉ tiêu đã được cổ đông giao phó.