Giá khí đốt châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng, thúc đẩy hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn khi áp lực từ giá năng lượng giảm bớt.
Giá khí đốt châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu

Giá khí đốt TTF của châu Âu xuống mức 35,2 euro/MWh vào thứ Sáu (5/5), mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 khi Nga lần đầu tiên bắt đầu siết chặt nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Sau đó, giá khí đốt tăng nhẹ và chốt tuần ở mức 35,95 euro/Mwh. Giá khí đốt TTF đã đạt đỉnh ở mức hơn 340 euro/MWh giờ vào mùa Hè năm ngoái sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, gây ra lạm phát và khiến hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Việc giảm xuống còn 35 euro/Mwh đã củng cố quan điểm rằng giá năng lượng đang trở lại bình thường sau khi châu Âu khai thác thành công các nguồn khí đốt thay thế, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và được hưởng lợi từ một mùa Đông ôn hòa khiến các địa điểm lưu trữ khí đốt được lấp đầy trong thời gian cuối năm.

Giá dầu cũng có xu hướng giảm tương tự, với giá dầu Brent đã giảm xuống còn gần 75 USD/thùng, gần mức trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, sau khi giao dịch trên 100 USD/thùng trong phần lớn năm ngoái.

Nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley cho biết, châu Âu hiện có khả năng lấp đầy 100% công suất cho các kho dự trữ khí đốt ngay cả khi nguồn cung của Nga giảm xuống bằng không.

“Không có đủ chỗ trong dung lượng lưu trữ của châu Âu. Tại một thời điểm nào đó, dòng LNG sẽ cần phải chậm lại để ngăn hàng tồn kho tràn đầy”, ông cho biết và chỉ ra rằng, dung lượng lưu trữ đã ở mức 60%. Con số này so với khoảng 35% vào cuối mùa Đông năm ngoái.

Chi phí năng lượng giảm đã giúp xoa dịu triển vọng lạm phát và cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần này, một sự thay đổi sau một loạt các đợt tăng lãi suất lớn hơn.

Tuy nhiên, giá khí đốt vẫn ở mức cao so với mức lịch sử. Giá khí đốt TTF trong năm 2019 đạt trung bình dưới 15 euro/MWh và mức giá cao nhất trước khủng hoảng là 29,17 euro/MWh vào năm 2018, thậm chí đã điều chỉnh theo lạm phát vẫn thấp hơn một chút so với mức giá đang giao dịch hiện nay.

Các nhà kinh doanh khí đốt và các nhà phân tích tập trung tại hội nghị Flame thường niên ở Amsterdam tuần này đã cảnh báo rằng không nên tự mãn vì châu Âu vẫn có thể đối mặt với những thách thức trong mùa Đông tới.

“Chúng tôi đã vượt qua điều này vì chúng tôi có một mùa Đông ôn hòa và nhu cầu LNG của Trung Quốc giảm xuống…, đó là sự may mắn”, James Watson, Tổng thư ký của Eurogas, một hiệp hội đại diện cho lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và phân phối cho biết.

“Đó có phải là chiến lược mà chúng ta sẽ có bây giờ không? Chúng ta sẽ phải cầu may 3, 4 năm liên tục để cung cầu cân bằng. Đó không phải là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề này”, ông cho biết thêm.

Trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cân bằng cung và cầu đối với khí đốt toàn cầu “chịu nhiều bất ổn bất thường” trong năm nay, từ thời tiết, sự sẵn có của LNG và khả năng tiếp tục sụt giảm trong đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt còn lại của Nga chảy qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ chiếm chưa đến 10% lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu so với khoảng 40% trước xung đột Nga-Ukraine, nhưng các công ty kinh doanh hàng hoá tin rằng yếu tố này vẫn có thể gây ra một đợt tăng giá khác.

Thị trường khí đốt đang phản ánh một số rủi ro này. Các hợp đồng TTF giao hàng trong mùa đông vẫn đang giao dịch trên 50 euro/MWh và có thể tăng hơn nữa nếu thời tiết bớt ôn hòa hơn so với mùa đông vừa qua hoặc nếu châu Á cạnh tranh gay gắt hơn để mua LNG.

Đại diện từ một công ty kinh doanh hàng hoá cho biết: “Có rất nhiều yếu tố khác có thể xảy ra” và cảnh báo rằng mặc dù giá khí đốt khó có thể mở rộng quy mô như mùa hè năm ngoái nhưng chúng “chắc chắn có thể quay trở lại” mức 150 euro/MWh.

Tin bài liên quan