Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt khi Ukraine dừng trung chuyển

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt sau khi đơn vị vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine ngắt dòng chảy khí đốt từ Nga.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh vào sáng ngày 27/4 sau khi Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp tới Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: AFP

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh vào sáng ngày 27/4 sau khi Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp tới Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: AFP

Công ty vận hành hệ thống khí đốt Gas TSO của Ukraine vừa phát đi thông báo về trường hợp bất khả kháng - những trường hợp không lường trước mà cản trở việc thực hiện hợp đồng vận chuyển khí. Đây là tuyên bố đầu tiên của phía Ukraine về việc gián đoạn vận chuyển khí đốt kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào ngày 24/2/2022.

Công ty Gas TSO cho biết kể từ ngày 11/5 họ sẽ không tiếp nhận dòng chảy khí đốt tự nhiên qua Sokhranivka - một điểm trung chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu. Đơn vị vận hành này cũng đã ngừng vận chuyển khí đốt qua trạm nén ở biên giới Novopskov, nơi thường đảm đương vận chuyển gần 1/3 lượng khí đốt (lên tới 32,6 triệu mét khối mỗi ngày) từ Nga sang châu Âu.

Giá khí đốt tự nhiên TTF giao dịch ở châu Âu đã tăng hơn 6,4% vào lúc 9:15 sáng ngày 11/5 (giờ London), theo dữ liệu của Refinitiv.

Cả trạm trung chuyển Sokhranivka và trạm nén Novopskov ở miền đông Ukraine đều nằm trong các khu vực do Nga kiểm soát và Công ty Gas TSO chỉ trích rằng chiến sự đã làm gián đoạn quá trình vận chuyển khí đốt.

"Do hậu quả từ hành động quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine, một số cơ sở vận chuyển khí đốt nằm trong khu vực do quân đội Nga và chính quyền chiếm đóng tạm thời kiểm soát", phía Công ty Gas TSO nêu trong một tuyên bố về trường hợp bất khả kháng.

"Hiện tại, GTSOU (Công ty Gas TSO - BTV) không thể thực hiện kiểm soát hoạt động và công nghệ đối với trạm nén Novopskov và các tài sản khác nằm ở các khu vực này. Hơn nữa, sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng vào các quy trình kỹ thuật và những thay đổi trong phương thức hoạt động của các cơ sở vận chuyển khí đốt đã đe dọa đến sự ổn định và an toàn của toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine", phía Gas TSO cho biết.

Tuy nhiên, nhà điều hành này cho hay họ vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ vận chuyển khí đốt với các đối tác châu Âu bằng cách định tuyến lại khí đốt đến điểm kết nối Sudzha, nằm trong lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

"Công ty đã nhiều lần thông báo cho Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom về các mối đe dọa vận chuyển khí đốt do các hành động của lực lượng do Nga kiểm soát và kêu gọi ngừng can thiệp vào hoạt động của các cơ sở vận chuyển khí đốt, nhưng lời kêu gọi này đã bị phớt lờ", Gas TSO nói thêm.

Trong khi đó, ông Sergei Kupriyanov, phát ngôn viên của Gazprom, cho biết yêu cầu của Ukraine sẽ là "bất khả thi về mặt công nghệ" và Gazprom không thấy có căn cứ nào cho quyết định này, hãng tin AP đưa tin.

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại Quỹ quản lý tài sản BlueBay Asset Management, cho biết ông rất ngạc nhiên khi Ukraine đã không cắt giảm vận chuyển khí đốt và năng lượng từ Nga kể từ sau khi chiến sự nổ ra.

Mối đe dọa từ việc Nga cắt dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu đã khiến Liên minh châu Âu ra sức tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Trong quá khứ, Nga cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc cấm vận năng lượng toàn diện có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến giá cả và lạm phát. Một động thái như vậy có thể gây ra "mức giá thảm khốc" vào mùa đông năm nay, nhà giao dịch khí đốt tự nhiên kỳ cựu Bill Perkins bình luận trên đài CNBC.

Cuối tháng trước, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng tăng vọt sau Nga tuyên bố ngừng cung cấp nhiên liệu này cho Ba Lan và Bulgaria. Cụ thể, sáng sớm ngày 27/4 Tập đoàn Gazprom thông báo họ đã ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria do hai quốc gia này đã không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Gazprom cho biết nguồn cung khí đốt đến hai thị trường này sẽ được khôi phục sau khi các khoản thanh toán bằng đồng rúp được thực hiện.

Sau động thái trên, giá khí đốt bán buôn theo hợp đồng của Hà Lan - mức giá tham chiếu cho thị trường châu Âu - đã nhảy vọt 24,2% lên 115,75 euro (tương đương 122,40 USD) mỗi megawatt giờ trong sáng 27/4, trong khi giá khí đốt tự nhiên của Vương quốc Anh giao tháng 6 tăng khoảng 20 pence lên 222 pence (tương đương 2,78 USD).

Tin bài liên quan