Giá khí đốt toàn cầu tăng đe dọa tới khả năng phục hồi kinh tế

Giá khí đốt toàn cầu tăng đe dọa tới khả năng phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí đốt tự nhiên đang trải qua một đợt tăng đột biến trong lịch sử và đó là tin xấu chung cho hầu hết tất cả mọi người, từ các nhà sản xuất gốm sứ ở Trung Quốc đến khách hàng của các tiệm bánh ở Paris.

Chi phí nhiên liệu đã ở mức cao kỷ lục ở hầu hết các thị trường lớn và có thể sẽ tăng hơn nữa, điều này có thể làm giảm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Mùa Đông sắp tới có thể cho thế giới một bài học về tầm quan trọng của khí đối với nền kinh tế. Giá cả tăng mạnh có thể làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình và làm xói mòn tiền lương do lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương có một số lựa chọn chính sách khó khăn.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt thực tế có thể làm ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp, hoặc thậm chí gây ra tình trạng mất điện ở các nước đang phát triển và có khả năng gây ra bất ổn xã hội.

Bruce Robertson, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho biết: “Năng lượng nằm ở nền tảng của một nền kinh tế. Giá năng lượng cao sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và có thể làm giảm sự phục hồi sơ khai”.

Chi phí năng lượng đang tăng trên toàn thế giới khi nhu cầu phục hồi sau các đợt phong toả do Covid-19. Giá dầu đã trải qua một đợt phục hồi kéo dài bắt đầu vào cuối năm 2020 và đã ở mức cao nhất trong nhiều năm trên 75 USD/thùng vào tháng 7.

Giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh vào đầu mùa Hè ở Bắc bán cầu khi ngày càng có nhiều dấu hiệu không đủ nguồn cung khi mùa Đông đang đến gần. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất lục địa đã hạn chế xuất khẩu đường ống vì một số lý do như nhu cầu nội địa cao, gián đoạn sản lượng và thỏa thuận vận chuyển ít nhiên liệu hơn qua Ukraine.

Alfred Stern, giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu khí OMV AG của Áo cho biết: “Chúng tôi đã chạy theo sau sự trì hoãn lưu kho suốt cả mùa hè. Người tiêu dùng ở châu Âu hiện đang phụ thuộc vào thời tiết và quỹ đạo của giá cả sẽ phụ thuộc vào mùa đông năm nay lạnh như thế nào”.

Ở châu Âu, giá khí đốt đã vượt qua giá dầu mỏ nhưng vấn đề không chỉ nằm trong khu vực châu Âu. Mặc dù những hạn chế về nguồn cung của Nga không ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng ở châu Á, nhưng người tiêu dùng ở đây vẫn phải cạnh tranh với châu Âu về các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển, điều này buộc họ phải trả giá cao hơn để đảm bảo việc giao hàng.

Francesco Starace, Giám đốc điều hành của công ty tiện ích Enel SpA của Ý cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV hôm thứ Sáu (3/9) : “Giá xăng cao ngày nay là một vấn đề đối với châu Âu. Đó cũng có thể là một vấn đề đối với châu Á”.

Các ngành bị thiệt hại

Trên khắp thế giới, hậu quả kinh tế của đợt tăng khí đốt tự nhiên đang trở nên rõ ràng hơn.

Tereos SCA, nhà sản xuất đường lớn nhất tại Pháp đã cảnh báo vào tháng trước rằng giá nhiên liệu đang ảnh hưởng đến quá trình chế biến đường ở châu Âu, làm tăng chi phí sản xuất.

Pascal Leroy, Phó chủ tịch cấp cao về nguyên liệu của Roquette Freres SAS, một công ty chế biến thực phẩm có trụ sở tại miền Bắc nước Pháp cho biết, giá năng lượng cao đang tạo ra “áp lực lạm phát đối với mọi chi phí khác”.

Các nhà máy sản xuất gốm tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới đã buộc phải giảm sản lượng do giá cao ở các tỉnh Quảng Đông và Giang Tây.

Tương tự, theo Giám đốc điều hành Shakeel Ahmad, các hóa đơn điện nước tăng cao đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Công ty Mughal Steels ở Pakistan.

Trong khi đó, một số quốc gia nghèo như Bangladesh không đủ khả năng mua đủ nguồn cung cấp năng lượng để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Theo những người được Bloomberg khảo sát, một số hệ thống thủy lợi ở nước này có thể chỉ hoạt động được vào ban đêm vì khả năng phân bổ nguồn điện.

Tác động kinh tế

Một cuộc khủng hoảng chủ yếu diễn ra trong ngành công nghiệp nặng ở châu Âu và châu Á ngày nay có thể sớm lan sang các lĩnh vực chính trị và kinh tế vĩ mô.

Nếu hoá đơn điện của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên, các công ty có thể tìm cách tăng lương hoặc tăng giá hàng hóa, điều này làm tăng thêm áp lực lạm phát trong bối cảnh áp lực chuỗi cung ứng vốn đang căng thẳng.

Tỷ lệ lạm phát toàn phần ở khu vực EU đã tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ là 3%. Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhấn mạnh rằng mức tăng đột biến sau đại dịch này chỉ là tạm thời, nhưng một đợt tăng giá kéo dài sẽ làm phức tạp khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng.

Mặt khác, giá các mặt hàng thiết yếu tăng trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả xã hội.

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết: “Ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi, giá nhiên liệu hoặc năng lượng bán lẻ tăng nhẹ cũng có thể dẫn đến khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội”.

Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo A/S cho biết, tại Pakistan, chính phủ đã bị chỉ trích vì đã mua các lô hàng khí hoá lỏng đắt nhất kể từ khi nước này bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu vào năm 2015. Trong khi đó, chi phí năng lượng có thể trở thành vấn đề nan giải trong cuộc bầu cử sắp tới của Đức.

Julien Hoarau, người đứng đầu công ty tư vấn Engie EnergyScan có trụ sở tại Paris cho biết: “Dư luận vẫn chưa tập trung vào việc giá năng lượng tăng. Nhưng đến một lúc nào đó, dư luận sẽ phản ứng và sẽ bắt đầu đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra hiện nay?”

Tin bài liên quan