Bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư

Giá vàng tăng vọt, chứng khoán rung lắc sau dữ liệu việc làm

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm của Mỹ vừa công bố yếu kém một cách bất ngờ đã khiến chứng khoán bị rung lặc mạnh, trong khi tạo ra động lực để giá vàng bứt phá mạnh phiên cuối tuần, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp.

Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tạo thêm được có 38.000 việc làm, thấp hơn nhiều con số dự báo 164.000 việc làm của giới phân tích. Đây cũng là số việc làm được tạo thêm trong tháng thấp nhất 5 năm rưỡi qua, do sự sụt giảm mạnh trong việc làm của ngành sản xuất và xây dựng. Dữ liệu này khiến giới đầu tư nghi ngờ về khả năng tăng trưởng vững chắc của kinh tế Mỹ và cũng khiến dự đoán Fed tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 7 giảm mạnh.

Đón nhận dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp kém khả quan, chứng khoán Mỹ chỉ dao động trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần. Dù vậy, mức giảm cũng không mạnh nhờ khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong vòng 2 tháng tới.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones giảm 31,5 điểm (-0,18%), xuống 17.807,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,13 điểm (-0,29%), xuống 2.099,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,17 điểm (-0,00%), đứng ở mức 4.942,34 điểm.

Như vậy, sau tuần tăng mạnh trước đó, phố Wall đã lình xình trong suốt tuần qua và chốt tuần gần như không thay đổi. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,37%, chỉ số S&P 500 không đổi, trong khi Nasdaq tăng nhẹ 0,18%.

Trong phiên cuối tuần, chứng khoán châu Âu đang duy trì đà tăng khá tốt thì bất ngờ nhận thông tin không tích cực từ Mỹ (bảng lương phi nông nghiệp kém khả quan), khiến đồng loạt các chỉ số quay đầu đảo chiều cuối phiên.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,02 điểm (+0,39%), lên 6.209,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 104,74 điểm (-1,03%), xuống 10.103,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 44,22 điểm (-0,99%), xuống 4.421,78 điểm.

Như vậy, sau khi lên mức cao nhất 1 tháng tuần trước, tuần qua, chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh trở lại. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,98%, chỉ số DAX giảm 1,78% và chỉ số CAC 40 giảm 2,06%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên lao dốc mạnh thứ Năm, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ diễn biến tích cực của chứng khoán Mỹ phiên trước, cũng như chỉ số bán lẻ nhanh tích cực vừa công bố. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang hướng đến bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sắp được công bố nên vẫn còn thận trọng.

Sự thận trọng cũng được thể hiện trên chứng khoán Hồng Kông, nhưng chỉ số Hang Seng vẫn có được mức tăng nhẹ để lên mức cao nhất 1 tháng và có được tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có sắc xanh phiên cuối tuần, để nới rộng đà tăng trong tuần.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 79,68 điểm (+0,48%), lên 16.642,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 88,02 điểm (+0,42%), lên 20.947,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 13,45 điểm (+0,46%), lên 2.938,68 điểm.

Phiên hồi cuối tuần không đủ để bù đắp cho phiên lao dốc trước đó và cứu Nikke 225 thoát khỏi tuần giảm điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng và chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng mạnh nhờ thông tin có thể được vào chỉ số MSCI. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,14%, chỉ số Hang Seng tăng 1,8% và chỉ số Shanghai Composite tăng 4,17%.

Nhận thông tin tích cực từ bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, đang lình xình như thường nhật, giá vàng đã vọt tăng dựng đứng ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, vượt qua hết các ngưỡng kháng cự ngắn, lên thẳng trên ngưỡng 1.240 USD/ounce và duy trì ở mức này cho đến hết phiên.

Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay tăng 33,1 USD (+2,74%), lên 1.243,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 34,7 USD (+2,87%), lên 1.244,5 USD/ounce.

Phiên đột biến cuối tuần đã giúp giá vàng chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp của mình trong tuần qua. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,53% và giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,52%.

Thông tin hỗ trợ cuối tuần đã khiến giới đầu tư và phân tích đã có cái nhìn lạc quan hơn rất nhiều về xu hướng của giá vàng trong tuần tới.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 643 người tham gia, trong đó có 326 người, chiếm 51% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 234 người, chiếm 36% dự báo giá sẽ giảm và 83 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 21 chuyên gia trả lời, có 12 chuyên gia, chiếm 57% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chỉ có 4 chuyên gia, chiếm 19% dự báo giá sẽ điều chỉnh và 5 người, chiếm 24% giữ quan điểm trung lập.

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ vừa công bố cũng khiến giá dầu nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đà giảm không quá mạnh và giá dầu thô Brent vẫn đang ở ngấp nghé mốc 50 USD/thùng nhờ sự hỗ trợ từ việc đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD (-1,13%), xuống 48,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,4 USD (-0,81%), xuống 49,64 USD/thùng.

Như vậy, sau chuỗi tuần tăng liên tiếp, giá dầu thô đã có tuần điều chỉnh do sức ép từ nguồn cung tăng và cả áp lực kỹ thuật khi tiến tới vùng giá 50 USD/thùng. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,44% và giá dầu thô Brent tăng 0,65%.

Tin bài liên quan