Giá xăng dầu dự báo giảm mạnh vào ngày mai 21/7

0:00 / 0:00
0:00
Dựa theo diễn biến của giá dầu thế giới, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp trong kỳ điều hành ngày 21/7.
Giá xăng ngày 21/7 có thể giảm 2.500-3.000 đồng một lít nếu cơ quan quản lý không trích quỹ bình ổn.

Giá xăng ngày 21/7 có thể giảm 2.500-3.000 đồng một lít nếu cơ quan quản lý không trích quỹ bình ổn.

Ngày mai, 21/7, Liên Công thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18/7 tiếp tục giảm so với kỳ trước.

Cụ thể, xăng RON 92 là 112,72 USD/thùng, RON 95 ở mức 117,4 USD/thùng, trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 149,59 USD/thùng xăng RON 92; 156,21 USD/thùng xăng RON 95 và 137,41 USD/thùng dầu diesel.

Sáng 19/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9 chững ở mức 106,3 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 8 giảm 0,62 USD, tương đương 0,60%, xuống mức 102 USD/thùng.

Do đó, kỳ điều hành ngày 21/7, tính toán giá xăng có thể giảm khoảng 2.500-3.000 đồng/lít, dầu diesel cũng tiếp tục giảm mạnh khoảng 1.500 đồng/lít, còn nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm ít hơn.

Tuy nhiên, khả năng Cơ quan điều hành giá trích lập quỹ bình ổn trong kỳ điều hành 21/7 là cao do Quỹ này hiện đang bị âm. Số liệu đến 31/3, Quỹ này âm gần 170 tỷ đồng. Trong kỳ điều hành hôm 11/7, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã hiện trích lập Quỹ đối với các loại xăng ở mức đến 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

Như vậy, dựa theo giá dầu thế giới, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp trong ngày 21/7.

Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Sau kỳ điều hành hôm 11/7, giá xăng đã xuống dưới 30.000 đồng/lít.

Tại Nghị quyết 85 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tính toán, sớm trình phương án để hạ nhiệt giá xăng dầu, còn Bộ Công thương phải điều hành xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu...

Bộ Tài chính trước đó cũng đã trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chì về 10% thay vì mức đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN này từ 20% về 12% như trước đó.

Để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là giải pháp khả thi và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, theo tính toán, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp.

Tin bài liên quan