Việc tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực là điều các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải cân nhắc.

Việc tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực là điều các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải cân nhắc.

Giải bài toán xuất khẩu 20 tỷ USD gỗ và lâm sản

Ứng dụng công nghệ, gia tăng nội lực là lời giải đầu tiên mà các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nghĩ tới cho đề toán xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

11 tỷ USD trong tầm tay

Liên tục các năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn tăng trưởng ở mức hai con số và năm nào cũng thiết lập kỷ lục mới, năm 2018 đạt mức 9,3 tỷ USD. Tiếp đà phát triển, lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đạt 7,932 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 6,06 tỷ USD (theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp).

Với các đơn hàng hiện hữu đến cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, mục tiêu đạt 11 tỷ USD xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Trong các năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng được đánh giá sẽ phát triển khả quan khi được tiếp sức nhiều hơn từ các yếu tố tích cực ở trong và ngoài nước.

Cụ thể, về thuế quan, Việt Nam đã ký 2 hiệp định quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tiến tới xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU. Đối với mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU, thuế quan sẽ được xóa bỏ trong thời hạn tối đa là 7 năm.

Việc tăng năng suất lao động đang là đòi hỏi tất yếu của ngành gỗ. Muốn vậy, phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới, phải có kinh phí, có công nhân vận hành kỹ thuật cao...

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch VIFORES   

Về mặt kỹ thuật, trước đây, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào EU và các thị trường khó tính khác cần phải có chứng chỉ của Tổ chức FSC. Nay Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 của PEFC vào ngày 17/6/2019 chuẩn bị cho việc xem xét và phê duyệt Chương trình Chứng nhận quản lý rừng quốc gia Việt Nam theo PEFC (VFCS/PEFC) vào tháng 2/2020. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ và lâm sản có thêm lựa chọn để khai báo bán hàng cho xuất khẩu...

Bài toán 20 tỷ USD

Tại Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu cho ngành gỗ là đưa Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới, đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhận định, những năm tới, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, với tốc độ tăng hàng năm ở mức 15-20%. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ đang đối mặt với cạnh tranh khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước áp lực về thiếu hụt lao động, cạnh tranh về giá, kéo theo bài toán về năng suất và chất lượng….

Theo ông Cao Duy Tâm, Tổng giám đốc công ty Vetta, để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025, việc tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực là điều các doanh nghiệp cần phải cân nhắc.

Công nghệ chế biến gỗ đang mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất...

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) khuyến nghị, chìa khóa để giải bài toán khó đang gặp phải là tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị trường dài hạn, chiến lược sản phẩm trong 5-10 năm tới để đầu tư phù hợp là vô cùng quan trọng.

Tin bài liên quan