Ảnh: Lê Toàn.

Ảnh: Lê Toàn.

Giải mã đà tăng nóng của một số cổ phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của không ít doanh nghiệp bất động sản vừa chứng kiến giai đoạn thăng hoa nhờ kỳ vọng, tin đồn và những thông tin chưa công bố...

Mối duyên DIG - Him Lam

Ngay sau khi Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) không thông qua việc hợp tác với Him Lam để phát triển dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến là 10.000 tỷ đồng, giá cổ phiếu DIG có những phiên tăng trần mạnh mẽ.

DIG tăng hơn 18% trong tuần qua; trong đó, 2 phiên dư mua giá trần trước thông tin lan truyền về việc cổ đông lớn là Chứng khoán Bản Việt và nhóm quỹ Dragon Capital sẽ thực hiện thoái vốn tại DIG, bên nhận chuyển nhượng là Bất động sản Him Lam. Giá thoái vốn tối thiểu 22.000 đồng/cổ phiếu.

DIG tăng hơn 18% trong tuần qua; trong đó, 2 phiên dư mua giá trần trước thông tin lan truyền về việc cổ đông lớn là Chứng khoán Bản Việt và nhóm quỹ Dragon Capital sẽ thực hiện thoái vốn tại DIG

Theo biên bản Nghị quyết Đại họi đồng cổ đông, nội dung biểu quyết kế hoạch hợp tác với Him Lam đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu chỉ có 33,07% ý kiến đồng ý, 26,57% không đồng ý và 20,31% không có ý kiến.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của DIG, Dragon Capital chiếm khoảng 20,3% vốn, các cổ đông lớn khác như Taekwang Vina Industrial sở hữu 10,46%; Chứng khoán Bản Việt 9,6%; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIG sở hữu 6,5%; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thiên Tân 6,5%, PYN Elite Fun sở hữu 3,5%. Cổ đông thường chỉ chiếm 22,5%.

Thị trường cho rằng, thông tin này khá hợp lý vì việc không thông qua kế hoạch hợp tác đầu tư là cách để việc đàm phán chuyển nhượng vốn cổ phần dễ dàng hơn. Trong khi đó, giới đầu tư nhìn nhận DIG có tài sản là quỹ đất rộng nhưng thị giá cổ phiếu thường xuyên dưới giá trị thực.

Nửa đầu năm 2020, DIG đạt doanh thu thuần 890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,46 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, nhưng chỉ mới hoàn thành 15% kế hoạch.

Dù vậy, các công ty chứng khoán nhận định, DIG có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2020 khi nhiều dự án trọng điểm như Vũng Tàu Gateway, Hiệp Phước và Đại Phước ghi nhận doanh thu nửa cuối năm.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, việc cổ đông không thông qua hợp tác với Him Lam sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DIG kể từ năm 2022 trở đi vì đây là một trong những dự án trọng điểm của DIG.

Dự án nằm tại phường 12, TP. Vũng Tàu với quy mô 90,5 ha và đang gặp vướng mắc về đền bù và giải phóng mặt bằng do thiếu hụt nguồn vốn.

Ông Nguyễn Quang Tín, người được ủy quyền công bố thông tin của DIG cho biết, Công ty có ghi nhận những thông tin trên thị trường về chuyển nhượng vốn của cổ đông lớn cho Him Lam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phía Công ty chưa nhận được trao đổi thông tin chính thức của các cổ đông lớn về việc chuyển nhượng cho ai, khi nào.

DXG – LDG hậu chia tay

Cổ phiếu DXG tăng hơn 11% trong 1 tuần qua, trong khi LDG tăng hơn 6% và đang gặp kháng cự mạnh ở giá 7.500 đồng/cổ phiếu. Nếu tính trong tháng gần nhất, DXG tăng gần 15%, còn LDG có mức tăng 19%.

Sau khi DXG thoái vốn tại LDG, cặp đôi cổ phiếu này được thị trường quan tâm với kỳ vọng sẽ có trò chơi thú vị.

Với DXG, giới đầu tư mong chờ kết quả kinh doanh khởi sắc. Thông tin từ Ban lãnh đạo DXG chia sẻ với các công ty chứng khoán trong đợt mở bán đầu tiên của dự án Gem Sky World, dự án được hấp thụ tốt, khoảng 700 sản phẩm thấp tầng trong tổng số 1.000 sản phẩm mở bán.

Sau khi DXG thoái vốn tại LDG, cặp đôi cổ phiếu này được thị trường quan tâm với kỳ vọng sẽ có trò chơi thú vị

DXG cho biết, Công ty đang hoàn tất báo cáo tài chính, dự kiến tuần này có thể công bố thông tin.

Trong khi đó, cổ phiếu LDG từng có những phiên tăng vọt, nhất là sau khi Công ty hợp tác toàn diện với Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (S.A.M)và công bố 5 dự án quy mô lớn ở các tỉnh trong cả nước.

Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG cho biết, LDG cũng như nhiều doanh nghiệp khác, gặp các thách thức trong tình hình khó khăn chung vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện Công ty đang hoàn tất báo cáo tài chính quý III, kết quả không lỗ, nhưng sụt giảm so với cùng kỳ.

“Một số kế hoạch bị chậm lại, nhưng “cơm không ăn, gạo còn đó”. Chẳng hạn, dự án Sài Gòn Intela sẽ cố gắng bàn giao từ tháng 11/2020 và hoàn tất trong năm 2021. Khi đó, LDG sẽ hạch toán được doanh thu, lợi nhuận từ dự án này”, ông Khang chia sẻ.

PDR: Bất ngờ tỏa sáng

Trong quý gần nhất, cổ phiếu PDR đã tăng gần 60% và tăng hơn 18% trong tháng qua, tuần qua giảm nhẹ. Thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của PDR được cập nhật khá đều đặn trên thị trường.

Đơn cử, lãi quý II tăng 37% nhờ bàn giao đất nền (nhưng chỉ mới hoàn thành 23% kế hoạch cả năm), triển khai đầu tư nhiều dự án như Bắc Hà Thanh; dự án ở Bình Dương… và lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển khu công nghiệp Phát Đạt với vốn điều lệ ban đầu là 680 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị PDR chia sẻ với truyền thông, chắc chắn đạt được lợi nhuận 1.500 tỷ đồng trong năm nay

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị PDR chia sẻ với truyền thông, chắc chắn đạt được lợi nhuận 1.500 tỷ đồng trong năm nay như chỉ tiêu đề ra dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid nhờ đã có “của để dành”.

DPG hưởng lợi đầu tư công

Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt Phương tăng hơn 29% trong tháng qua. DPG có hoạt động kinh doanh đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước.

Nhưng DPG cũng là đơn vị có quỹ đất ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhờ thực hiện các dự án BT, theo đó, bất động sản cũng là mảng được Ban điều hành DPG kỳ vọng mang lại dòng tiền, lợi nhuận cho Công ty trong các năm sau.

Hiện DPG có khoảng 200 ha quỹ đất ở vị trí thuận lợi cho phát triển bất động sản du lịch như ở Hội An… Trong quý II, DPG báo lãi 27 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ nhờ mảng bất động sản.

Tuy nhiên, DPG đang có nợ vay lớn trong cơ cấu tổng nguồn vốn, với 76% nợ phải trả và 24% vốn chủ sở hữu, gây áp lực tài chính cho Công ty khi mà mảng bất động sản bị ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19.

Thông tin tích cực hỗ trợ cho giá cổ phiếu là động thái mua vào của cổ đông nội bộ DPG

Thông tin tích cực hỗ trợ cho giá cổ phiếu là động thái mua vào của cổ đông nội bộ DPG. Đặc biệt, thông tin Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập trúng thầu hơn 1.600 tỷ đồng dự án thành phần đầu tư xây đựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Giới đầu tư kỳ vọng, DPG là một trong những cổ phiếu hưởng lợi từ thúc đẩy đầu tư công.

NTL: Chờ đợi tín hiệu tốt

Trước sức hút dòng tiền vào cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu NTL của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm tăng 16% trong tháng qua.

NTL được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều dự án khu đô thị đang triển khai ở Hà Nội, được kỳ vọng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, nền kinh tế dần hồi phục, các dự án này được triển khai sẽ mang về doanh thu lợi nhuận tốt cho Công ty.

Trong khi đó, cơ cấu tài chính NTL khá lành mạnh, nợ vay (hoàn toàn là ngắn hạn) 215 tỷ đồng, chỉ bằng 21% vốn chủ sở hữu.

Với giá cổ phiếu 18.500 đồng, tương ứng vốn hóa 1.128 tỷ đồng, PE khoảng 6,6 lần được đánh giá là hấp dẫn với doanh nghiệp có nợ vay thấp, lợi nhuận 2 năm gần nhất đạt hơn 100 tỷ đồng và 233 tỷ đồng.

FLC: Bèo cũng nở hoa

Giá cổ phiếu FLC từ mức 3.430 đồng đã tăng mạnh lên 4.210 đồng/cổ phiếu, trong đó có nhiều phiên tăng gần kịch trần, với khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày 21,8 triệu đơn vị.

Cổ phiếu FLC có khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày 21,8 triệu đơn vị

Thông tin tích cực liên quan đến FLC được chia sẻ khá mạnh mẽ trên mạng xã hội, từ tài khoản có nick mang tên “Trịnh Văn Quyết”. Cụ thể, Bamboo Airways vẫn đặt mục tiêu đạt 30% thị phần nội địa, khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa và gia tăng tần suất trên nhiều đường bay du lịch trước nhu cầu đang lên cao.

Đối với mạng bay quốc tế, mọi nguồn lực của Bamboo đã sẵn sàng cho việc khôi phục và mở mới. Các đường bay đi Hàn Quốc, Đài Loan tái khởi động từ tháng 9, chuẩn bị mở mới nhiều tuyến bay đến Nhật Bản, Singapore, Úc vào quý IV/2020, đến Đức và Anh vào quý I/2021...

Trong tháng 9, FLC bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm âm hơn 1.582 tỷ đồng.

Tin bài liên quan