Giải ngân vốn đầu tư công: Không thể mãi “đầu năm thong thả”

0:00 / 0:00
0:00
Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Nhiều dự án đầu tư công đang được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều dự án đầu tư công đang được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

Thêm một năm “lỗi hẹn”

Kế hoạch giải ngân 90% vốn kế hoạch ngân sách nhà nước trong năm 2021 gần như khó có thể thực hiện được, bởi theo số liệu của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/12/2021 chỉ đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Con số này thấp hơn mức 82,66% đạt được của năm 2020. Đáng chú ý, trong khi giải ngân vốn trong nước đạt khá, ở mức 83,66%, thì giải ngân vốn nước ngoài lại chỉ đạt 26,77%. Cả hai con số này đều thấp hơn so với tỷ lệ đạt được của cùng kỳ năm trước, tương ứng là 87,12% và 46,6%.

Dù còn 1 tháng nữa trong niên độ ngân sách 2021 để các bộ, ngành, địa phương hoàn tất thủ tục giải ngân, song nhiều khả năng, tỷ lệ giải ngân cả năm cũng khó đạt được cao như năm trước. Như vậy, nền kinh tế lại có thêm một năm “lỗi hẹn” với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, bởi thế, tăng trưởng kinh tế năm 2021 cũng chỉ đạt 2,58%.

“Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhìn lại cả năm 2021, dường như câu chuyện “thường ngày ở huyện” là “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” đã lại diễn ra với giải ngân vốn đầu tư công, dù thực tế, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm.

Thậm chí, sau năm 2020 đạt tốc độ giải ngân tích cực, ngay từ những ngày đầu năm 2021, nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được khởi công, mang lại khí thế mới cho nền kinh tế. Song cuối cùng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.

Dù một trong những lý do mà hầu hết lãnh đạo địa phương đều “vin” vào để lý giải vì sao tỉnh mình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp là “dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp” và điều đó là sự thật, song thực tế, các nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản. Chậm phân bổ vốn kế hoạch năm 2021 cho các dự án, dù Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện giao một lần vào cuối năm 2020, là một trong những ví dụ điển hình.

Đầu năm “thong thả” như vậy, nên cuối năm, khi chặng đua nước rút bắt đầu, nhiều địa phương mới nháo nhào xin trả lại vốn đầu tư. Cuối tháng 9/2021, tức là vào thời điểm Chính phủ yêu cầu phải rà soát lại vốn đầu tư, 38 bộ, ngành, địa phương đã xin “trả lại” hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó có phần vốn nước ngoài (vốn ODA, vốn vay ưu đãi) là gần 18.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 12/2021, khi 6 đoàn công tác của Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương, rất nhiều lời cam kết vội vã được đưa ra và tiếp tục là các đề nghị “xin kéo dài” thời gian thực hiện, nhưng không được chấp thuận. Và kết cục, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp, đặc biệt với vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc đến các nguyên nhân cố hữu khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả; chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; công tác triển khai thực hiện chưa quyết liệt, người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Rồi năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân…

Những lý do rất cũ. Vậy liệu có thể kỳ vọng, năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn không?

Đốc thúc ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tiếp tục có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đốc thúc việc triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022. “Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thực tế, hồi giữa tháng 12/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã một lần có công điện “’thúc” các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Theo quy định, việc phân bổ vốn này phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021, song tới thời điểm đó, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, phân bổ vốn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, để có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để thúc đẩy giải ngân, điều quan trọng là phải khắc phục được các điểm yếu. “Ví dụ, với giải phóng mặt bằng, nếu biết chắc rằng điều này là khó khăn thì cần thúc đẩy nhanh, làm sớm. Tương tự, nếu biết chắc rằng, các thủ tục đầu tư phải trải qua bao nhiêu bước, thời gian mỗi bước ra sao, thì cũng cần chuẩn bị sớm, để khi bắt tay vào thực hiện, sẽ không gặp các trở ngại nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Năm 2022 là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi nền kinh tế, do vậy, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư công, phải quyết liệt hơn rất nhiều.

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Đó cũng chính là cách để có thể giải ngân vốn đầu tư công được ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, để không còn xảy ra tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” nữa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai Kế hoạch năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã một lần nữa nhấn mạnh việc phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành về giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời thực hiện các tháo gỡ về thể chế liên quan đến các hoạt động đầu tư.

Liên quan vấn đề này, khi phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã kiến nghị nhiều về vấn đề phân cấp, phân quyền; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng; xử lý các dự án tồn đọng..., nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh cũng đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại phiên bất thường. Nếu được thông qua, sẽ tháo gỡ được một số vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư.

Hơn thế, cùng với việc trình Quốc hội Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã đề xuất áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng, bên cạnh các giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, giúp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.

Tin bài liên quan