Ông Nguyễn Sơn(Ảnh: VNN)

Ông Nguyễn Sơn(Ảnh: VNN)

Giải pháp kích cầu đầu tư

(ĐTCK-online) Bức “tường thành” kiên cố 900 điểm của VN-Index (được xác lập khá lâu) bị xuyên thủng vào ngày 7/1 vừa qua đã gây “sốc” cho không ít NĐT và cơ quan quản lý. Trong xu hướng điều chỉnh của thị trường, không ít người vẫn bị bất ngờ khi ngưỡng tâm lý trên bị phá khá dễ dàng. Làm gì để vực dậy thị trường trong lúc này? Bên cạnh giải pháp chưa thực hiện thu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán trong năm 2008, nhiều biện pháp kích cầu đã được UBCK đề xuất. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCK) về vấn đề này.

Thị trường có sự sụt giảm sâu như thời gian qua do những nguyên nhân nào, thưa ông?

Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để đánh giá thị trường gần đây cũng như các giải pháp cấp bách hỗ trợ thị trường. TTCK điều chính khá sâu, doanh số giao dịch giảm rất nghiêm trọng, điều này trước hết do sức cầu đầu tư suy yếu cũng như lượng gia tăng cung hàng lớn. Về sức cầu, do các đợt IPO lớn thu hút dòng vốn đầu tư tương đối nhiều. Chỉ thị 03 của NHNN về khống chế dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng có thời hạn cuối cùng vào 31/12/2007 cũng có tác động nhất định. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK hiện nay bị trở ngại trong vấn đề thiếu lượng tiền đồng để giải ngân. Hơn nữa, dù mức độ hội nhập của Việt Nam không nhiều, nhưng sự suy giảm của TTCK toàn cầu cũng tạo ra hiệu ứng tâm lý làm cho giá cổ phiếu trên thị trường suy giảm.

Về góc độ cung hàng, một lượng cổ phiếu phát hành quá lớn đã được cấp phép trong nửa cuối năm 2007 cũng như các đợt IPO làm gia tăng lượng cung hàng trên TTCK. Đối với NĐT, tâm lý chờ đợi TTCK điều chỉnh hơn nữa nên họ chưa sẵn sàng mua. Bên cạnh đó, sự nóng lên của thị trường bất động sản, thị trường vàng đã thu hút một lượng vốn lớn, tạo ra sự dịch chuyển từ TTCK sang hai thị trường trên.

 

Bên cạnh IPO, liệu có giải pháp nào khác để giúp DN CPH, mặt khác không tác động đến thị trường?

Do lượng hàng gia tăng khá lớn trong năm 2007 liên quan đến các đợt phát hành tăng vốn của các DN cũng như nhiều đợt IPO của DN lớn hiện nay, nên Bộ Tài chính đang có hướng xem xét đưa ra kế hoạch IPO vào những thời điểm phù hợp. Đối với trường hợp của Sabeco (đã có công bố chính thức) sẽ vẫn tiến hành IPO trong tháng 1/2008. Còn với trường hợp của Habeco và Incombank, Bộ Tài chính sẽ có ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét lùi tiến độ IPO cho hợp lý, tránh tác động đến thị trường bởi một lượng hàng quá lớn được bung ra.

Bên cạnh IPO thông qua đấu giá cổ phần ra thị trường thì chúng tôi sẽ đề nghị các DN sẽ lựa chọn đối tác nước ngoài để chào bán với mức giá nhất định và không áp dụng giá đấu bình quân trên thị trường áp dụng cho các NĐT chiến lược.Vì đối với NĐT chiến lược, giá có thể thấp hơn do họ đầu tư lâu dài, nắm giữ trong vòng 3 đến 5 năm cho nên không tác động đến cung hàng và tổng cầu đầu tư trên thị trường. Khi thực hiện như vậy, sẽ xem xét lựa chọn hình thức giá phát hành thông qua định giá tài sản, chứ không thực hiện hoặc giảm bớt việc đấu giá ra thị trường.

 

Để kích cầu hơn nữa, vai trò của nhà tạo lập thị trường, NĐT tổ chức là hết sức quan trọng, thưa ông?

Cũng chính vì lẽ đó mà chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thành lập quỹ đầu tư vào TTCK. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép sớm thành lập các công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng như chi nhánh của các công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam để quản lý các dòng vốn nước ngoài, sớm hơn so với lộ trình cam kết trong WTO.

Chúng tôi hy vọng, các giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra sẽ có tác động nhất định hỗ trợ cầu đầu tư, nhất là hỗ trợ yếu tố tâm lý làm cho sức cầu đầu tư khả quan hơn, giúp thị trường có bước phát triển tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những giải pháp liên quan đến chính sách, đặc biệt những phân tích, đánh giá kết quả hoạt động của DN niêm yết trong năm 2007 và các chỉ tiêu tài chính như lợi nhuận trên vốn, P/E…

 

Bên cạnh lượng cầu lớn thì có ý kiến cho rằng, để thị trường tăng trưởng trở lại, cần tháo gỡ nút thắt tiền tệ, thưa ông?

Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ và NHNN có các giải pháp để mua thêm lượng ngoại tệ đang nằm tại các NHTM nhằm tăng lượng VND lên. Về việc NHNN mua ngoại tệ, UBCK đề nghị NHNN đẩy nhanh mua lượng ngoại tệ này theo yêu cầu của Chính phủ cũng như sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở để sử dụng các kênh phát hành tín phiếu hoặc mua trái phiếu Chính phủ phát hành; ngoài ra, có kế hoạch sử dụng ngoại tệ thu được đầu tư ra nước ngoài để có thể đảm bảo sinh lợi. Nhiều khả năng các giải pháp này sẽ được thực hiện trong đầu quý I/2008 và có tác động ngay đến thị trường.

Hiện nay, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán không phải là cao so với những khoản dư nợ khác trên thị trường. Số ngân hàng vượt trên 3% cũng rất ít, chỉ còn một số ngân hàng có mức dư nợ từ 6 - 9%. NHNN sẽ xem xét để có cơ chế về cho vay đầu tư chứng khoán thông qua hệ thống kiểm soát rủi ro của các NHTM. Đối với các NHTM thì họ có những kiểm soát ở tỷ lệ khác nhau, thậm chí họ có thể đưa ra yêu cầu về dự trữ tỷ lệ kiểm soát rủi ro bắt buộc. Điều này sẽ linh hoạt hơn, không áp dụng chung cho tất cả ngân hàng, mà sẽ vận dụng cho từng ngân hàng có các chỉ tiêu tốt, xấu khác nhau.