Gian lận bảo hiểm tràn lan vì luật chưa nghiêm?

Gian lận bảo hiểm tràn lan vì luật chưa nghiêm?

(ĐTCK) Khi bị phát hiện gian lận, người mua bảo hiểm chỉ bị từ chối bồi thường. Quy định này đang vô tình dung dưỡng cho hành vi chiếm đoạt tài sản của DN bảo hiểm.

Gian lận bảo hiểm tràn lan vì luật chưa nghiêm? ảnh 1

Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bị trục lợi phổ biến

 

Gian lận bảo hiểm: chuyện thường!

Thực ra, gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm không có gì mới mẻ trên thế giới. Theo ông Peter Lee, nhà phân tích kinh kế của Công ty tư vấn quản trị nhân lực Tower Watson, tại Malaysia, có tới 20% số tiền bồi thường bảo hiểm có liên quan đến yếu tố trục lợi. Hay tại một thành phố của Hàn Quốc, giá trị trục lợi bảo hiểm trong 1 năm lên tới 12 triệu USD. Tại Anh, theo số liệu Hiệp hội Các nhà bảo hiểm đưa ra, trong năm 2010, đã có 130.000 trường hợp gian lận bảo hiểm bị phát hiện, với tổng giá trị lên tới 1,42 tỷ USD. Đáng báo động là số lượng hành vi gian lận đã tăng gấp 2 lần so với năm trước đó và 1/3 trong số này được điều tra là có sự tiếp tay của nhân viên bảo hiểm.

Hội thảo phòng chống gian lận trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hồi tháng 8/2012 tại Khánh Hòa đã gióng lên tiếng chuông báo động về mối nguy hại nhãn tiền của hành vi trục lợi tại các DN bảo hiểm tại Việt Nam.

Gian lận diễn ra ở mọi loại hình bảo hiểm, dưới muôn hình vạn trạng, từ khâu khai báo hồ sơ mua bảo hiểm cho đến khai báo bồi thường. Người mắc bệnh hiểm nghèo, đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh mới mua bảo hiểm sinh mạng với số tiền bảo hiểm lớn. Xe bị tai nạn, “đắp chiếu” một chỗ rồi mới đi mua bảo hiểm phương tiện. Tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm thì cấu kết, hô biến thành thuộc phạm vi bảo hiểm, tổn thất ít thì dùng thủ đoạn tinh vi để khai tăng thành nhiều, kết hợp với các gara để tăng số tiền phải sửa…

Hồi cuối năm 2011, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) từng tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm của một chủ xe ô tô tại Ninh Bình sau 46 ngày mua bảo hiểm. Theo đơn yêu cầu bồi thường thì chủ xe tự gây tai nạn và đã báo cơ quan công an đưa xe về gara hai ngày trước đó. Ngay lập tức, cán bộ giám định của VASS đã tới gara để giám định thiệt hại. Tuy nhiên, trong quá trình giám định, giám định viên phát hiện nhiều điểm bất hợp lý, mâu thuẫn giữa thông tin mà chủ gara và  chủ xe cung cấp. Chủ xe không cung cấp được biển số xe cứu hộ như khai báo ban đầu. Việc kết hợp điều tra qua camera giao thông trong thời gian chủ xe khai xảy ra tai nạn đã gúp VASS có bằng chứng xác định chủ xe gian dối và đưa ra kết luận xe đã bị tai nạn từ trước thời gian mua bảo hiểm. Ngay sau đó, chủ xe đã tự nguyện sửa xe và không tiếp tục đòi bồi thường.

Lỗ hổng lớn nhất trong vụ này giúp cho chủ xe có thể sắp đặt sự việc nhằm trục lợi bảo hiểm, đó chính là khâu khai thác. Vì chủ quan hay vì một động cơ nào khác mà khai thác viên bảo hiểm không thấy xe mà vẫn cấp đơn bảo hiểm phương tiện xe cơ giới. Chỉ cần thiếu cảnh giác cũng như nghiệp vụ giám định yếu kém, VASS sẽ không tránh được việc phải trả một khoản tiền bồi thường tới gần 200 triệu đồng.

Đây không phải là vụ đầu tiên trong hệ thống của VASS phát hiện ra gian lận bảo hiểm mà khiếm khuyết là từ khâu bán bảo hiểm. Ở các công ty bảo hiểm khác, không ít trường hợp tương tự đã xảy ra.

 

Không thể nhẹ tay

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có những quy định cụ thể, tạo điều kiện cho DN bảo hiểm có cơ sở để từ chối bồi thường hay hủy hợp đồng khi phát hiện những hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm. Có điều, việc giải quyết như vậy vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ các quan hệ dân sự. Nếu khách hàng bảo hiểm khai gian để đòi bồi thường, nếu không trót lọt thì chỉ không được bồi thường, chứ không chịu chế tài xử phạt. Vì vậy, những hành vi gian lận này vẫn cứ tồn tại và phát triển.

Hành vi trục lợi bảo hiểm, xét ở khía cạnh pháp lý, đó chính là hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của một tổ chức. Vậy nhưng, khác với các hành vi lừa đảo khác, hành vi gian lận bảo hiểm nếu thực hiện xong rồi mới bị phát hiện thì người bảo hiểm chỉ bị coi như tòng phạm, mà đối tượng chịu trách nhiệm chính là người có thẩm quyền ký duyệt hồ sơ và thông báo bồi thường của công ty bảo hiểm.

Nhìn rộng ra, những hành vi đua xe trái phép, sử dụng công nghệ tin học gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác 10 năm trước chưa được xử lý bằng pháp luật hình sự. Tới nay, các hành vi này đều đã trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự, vì vậy mà ngày càng giảm.

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội, mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Rõ ràng các hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng trở nên nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến trật tự kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đạo đức và lối sống của nhiều người, rất cần phải có hình phạt thích đáng cho những kẻ lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thu lợi bất chính. Đã tới lúc, bên cạnh các biện pháp tự bảo vệ của các DN bảo hiểm trước các hành vi trục lợi, cần bổ sung vào Bộ Luật hình sự các tội danh gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm.