Giao dịch chứng khoán chiều 19/12: Áp lực bán gia tăng, thị trường “quay xe”

Giao dịch chứng khoán chiều 19/12: Áp lực bán gia tăng, thị trường “quay xe”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều cùng cú "quay xe" của nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến thị trường đảo chiều giảm hơn 14 điểm và lùi về mức thấp nhất ngày.

Phiên giao dịch sáng đầu tuần diễn ra khá thuận lợi khi dòng tiền hoạt động sôi động hơn trong nửa cuối phiên sáng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp VN-Index thoát khỏi trạng thái lình xình giằng co và tăng tốc, vượt mốc 1.060 điểm.

Tuy nhiên, diễn biến có chút chùng xuống trong 30 phút cuối phiên sáng đã lan sang phiên giao dịch chiều. Thị trường không mấy khả quan khi lực bán có dấu hiệu gia tăng đã khiến VN-Index giật lùi về sát mốc tham chiếu chỉ sau khoảng 10 phút mở cửa.

Sau hơn 1 giờ cầm cự, thị trường đã đổi sắc trước áp lực bán dâng cao nhóm cổ phiếu bluechip và dần lan rộng hơn trên thị trường, đặc biệt gia tăng mạnh trong đợt khớp lệnh ATC, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất ngày khi để mất hơn 14 điểm.

Thị trường đã có phiên giao dịch với biên độ giao dịch khá lớn và mốc 1.030 điểm vẫn được bảo vệ thành công. Và điểm đáng chú ý chính là thanh khoản thị trường vẫn trong xu hướng cải thiện ở phiên điều chỉnh, tăng khá tốt so với mức trung bình của tuần giao dịch trước đó. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong những phiên giao dịch cuối năm 2022.

Chốt phiên, sàn HOSE có 159 mã tăng và 257 mã giảm, VN-Index giảm 14,08 điểm (-1,34%) xuống 1.038,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 988,84 triệu đơn vị, giá trị 16.042,5 tỷ đồng, tăng 12,17% về khối lượng và 3,44% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 136,51 triệu đơn vị, giá trị 1.801,85 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã có màn “trở mặt” gia tăng gánh nặng lên thị trường khi chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là VRE tăng 4,2%, MSN tăng 1,6%, cùng cặp ngân hàng HDB và TCB nhích nhẹ chưa tới 0,5%.

Ngược lại, có tới 25 mã mất điểm, trong đó cổ phiếu bất động sản đi đầu xu hướng giảm với PDR giảm 4,8%, NVL giảm 3,8%, VIC giảm 3,3%, GVR giảm 3,2%...

Xét về nhóm ngành, nếu trong phiên sáng, hầu hết các nhóm đều có được sắc xanh thì sang phiên chiều, diễn biến nhìn chung kém khởi sắc khi chỉ còn số ít giữ được nhịp tăng nhẹ.

Trong đó, sức nóng của nhóm cổ phiếu thép đã giảm nhiệt, chỉ còn POM và VCA tăng kịch trần, còn lại đều mất sắc tím với SMC và TLH tăng 5%, HSG chỉ còn tăng 1,5%, trong khi NKG lùi về mốc tham chiếu, thậm chí HPG bị chốt lời và quay đầu giảm 2% xuống mức thấp nhất ngày 20.000 đồng/CP.

Bộ 3 gồm HPG, HSG và NKG vẫn giữ nhiệt sôi động, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 40,04 triệu đơn vị, hơn 26 triệu đơn vị và gần 21 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu đồng pha với thị trường là chứng khoán phần lớn cũng đảo chiều giảm, trong đó VND giảm 3,4% xuống mức 15.500 đồng/CP, VCI giảm 3,2%, HCM giảm 3%, SSI và VIX lùi về mốc tham chiếu…

Nhóm ngân hàng cũng “quay xe” khi chỉ còn TCB, SSB, TCB, SHB tăng nhẹ chưa tới 0,5%, EIB tăng 1,82%, còn lại đều đảo chiều giảm dù chủ yếu biên độ không quá lớn, ngoại trừ một số mã như VPB, MBB, TPB giảm 2-3%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động, bên cạnh cặp VIC và VHM lùi sâu, nhiều mã cũng đảo chiều giảm sâu như DIG, DXG, VCG, HPX, NTL, HDG… giảm hơn 5-6%, ngoài ra, TCH, SCR, LCG, SZC, HDC, TIP lùi về nằm sàn.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trên thị trường chung cùng màn “quay xe” của nhóm HNX30 cũng khiến thị trường đảo chiều giảm điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 71 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 0,75 điểm (-0,35%) xuống 212,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,62 triệu đơn vị, giá trị 1.439,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,28 triệu đơn vị, giá trị 118,44 tỷ đồng.

Trong rổ HNX30 chỉ còn 9 mã ngược dòng thành công, đáng kể là VCS vẫn giữ vững đà tăng trần và cổ phiếu THD vẫn tăng 9,1% lên 38.500 đồng/CP.

Trái lại, HUT là cổ phiếu giảm mạnh nhất với -8,6% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 16.000 đồng/CP; tiếp theo là PVC và DTD cùng giảm hơn 5%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu than là điểm sáng khi ngược dòng thành công với hầu hết đều đóng cửa trong sắc xanh với NBC áp sát mức giá trần khi tăng 8%, TCS tăng gần 4%, TDN tăng 2,6%, các mã HLC, THT, TVD đều tăng hơn 1%.

Trái lại, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX đều đảo chiều giảm sau pha tăng tốc ở phiên sáng, với SHS giảm 1% xuống mức 9.800 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 32 triệu đơn vị khớp lệnh, MBS giảm 1,4%, APS giảm 1,8%...

Trên UPCoM, thị trường trở nên rung lắc và giảm nhẹ trong phiên chiều do áp lực bán gia tăng.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,11%) xuống 72,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 365,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,62 triệu đơn vị, giá trị 193,83 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu BSR cũng đảo chiều giảm 3,4%, kết phiên đứng tại mức giá 14.200 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 8,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu thanh khoản sôi động tiếp theo đó là SBS, VHG, V4G, VGI, DDV với khối lượng khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị cũng đều giao dịch không mấy khả quan khi đóng cửa ở mức tham chiếu hoặc giảm điểm.

Trong khi đó, dù vẫn giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng ở cổ phiếu thép TVN đã giảm nhiệt do áp lực bán gia tăng ở phiên chiều. Kết phiên, TVN tăng 5,4% lên 5.900 đồng/CP và khớp 0,67 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F23,01 đáo hạn gần nhất ngày 19/1/2023 giảm 15 điểm, tương đương -1,4% xuống 1.045 điểm, khớp lệnh gần 294.110 đơn vị, khối lượng mở gần 47.020 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo, nhưng mã CHPG2221 có thanh khoản cao nhất khi khớp lệnh hơn 4,72 triệu đơn vị lại đóng cửa ở mức tham chiếu 170 đồng/CQ.

Tin bài liên quan