Giao dịch chứng khoán chiều 20/6: Thị trường lao dốc, hàng trăm mã nằm sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 20/6: Thị trường lao dốc, hàng trăm mã nằm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo diễn ra trong phiên chiều khiến hàng trăm mã trên thị trường nằm sàn và các chỉ số đồng loạt rơi về vùng giá thấp nhất ngày. 

Nếu ở tuần trước, nhà đầu tư khá yên tâm về ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm khi liên tục “vá đáy” thành công, thì trong phiên sáng nay, tâm lý thị trường trở nên bi quan hơn khi vùng giá này bị gãy trong bối cảnh thiếu vắng sự tham gia của dòng tiền bắt đáy.

Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đồng loạt đều giảm mạnh đã đẩy các chỉ số chính về vùng giá thấp nhất trong phiên, trong đó, chỉ số VN-Index để mất gần 22 điểm, rơi xuống mốc 1.195 điểm, trong khi đó, thanh khoản thị trường lại sụt giảm khá mạnh.

Diễn biến tiêu cực trên đã phần nào khiến nhà đầu tư có thể hình dung được phiên giao dịch đổ máu chiều nay.

Không nằm ngoài sự suy đoán trên, thị trường tiếp tục ảm đạm hơn ngay khi mở cửa phiên giao dịch chiều. Áp lực bán mạnh và dứt khoát diễn ra trên diện rộng khiến các chỉ số tiếp tục lao dốc.

Dường như mối lo về lạm phát khiến thị trường không ngắt được đà rơi. Đà giảm ngày càng nới rộng hơn và chỉ số VN-Index đã dừng chân ở vùng giá thấp nhất ngày, tại ngưỡng 1.180 điểm khi bốc hơi gần 37 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có tới 407 mã giảm (trong đó có tới 145 mã giảm sàn) và chỉ 72 mã tăng, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 669,5 triệu đơn vị, giá trị 15.439,52 tỷ đồng, giảm 9,35% về khối lượng và 10,93% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,54 triệu đơn vị, giá trị gần 1.415,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNM tiếp tục lội ngược dòng ngoạn mục khi nới rộng biên độ tăng hơn trong phiên chiều. Kết phiên, VNM tăng 3,4% lên mức 69.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,6 triệu đơn vị. Nếu không có sự đóng góp tích cực của mã lớn VNM, thị trường có thể còn “đi xa” hơn.

Ngoài VNM, một mã bluechip khác giữ được sắc xanh là VJC khi kết phiên tăng 1,7% lên vùng giá cao nhất trong phiên 127.000 đồng/CP.

Còn lại có tới 27 mã trong nhóm VN30 giảm mạnh, với hơn 1/2 số mã giảm trên 3%. Trong đó, GAS, HPG, STB, POW, SSI kết phiên nằm sàn; BID giảm 6,6%, PLX giảm 6,3%, MSN giảm 5,1%...

Các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, thép la liệt nằm sàn. Trong đó, nhóm chứng khoán với sự góp mặt của SSI, HCM, VND, VCI, VIX, VDS, AGR, APG, BSI, CTS; nhóm thép với HPG, NKG, HSG, TLH, SMC; bất động sản với hàng loạt mã như LCG, ITA, LDG, NLG, HDB, HHV, KHG, DPG, TEG, CIG, DXG, TCH, FLC…

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh EIB tăng nhẹ, cổ phiếu SHB cũng lội ngược dòng ngoạn mục khi kết phiên tăng hơn 3%, trong khi các mã còn lại hầu hết nới rộng đà giảm mạnh. Cụ thể, STB giảm sàn, BID giảm hơn 6,6%, VIB và MSB cùng giảm hơn 6,5%, CTG và TCB giảm hơn 4%...

Ở nhóm dầu khí, GAS và PVD đều trong trạng thái dư bán sàn, PLX giảm hơn 6,3%, PSH cũng nằm sàn…

Nhóm cổ phiếu duy nhất giữ được đà tăng là thủy sản, dù biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể. Cụ thể, ACL tăng trần, IDI tăng 2,7%, FMC tăng 2,6%, AAM tăng 1,8%, VHC, ASM nhích nhẹ.

Về thanh khoản, top 5 mã dẫn đầu đều đóng cửa tại mức giá sàn, trong đó HPG sôi động nhất với hơn 37,27 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là VND khớp 29,31 triệu đơn vị, POW khớp 24,83 triệu đơn vị, SSI khớp 18,26 triệu đơn vị, STB khớp 16,89 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng cắm đầu lao dốc khi số mã nằm sàn gần gấp rưỡi số mã tăng.

Chốt phiên, sàn HNX có 39 mã tăng và 178 mã giảm (54 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 12,14 điểm (-4,34%) xuống 267,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 74,94 triệu đơn vị, giá trị 1.512,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,58 triệu đơn vị, giá trị 146,74 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, chỉ có duy nhất LHC giữ được sắc xanh khi kết phiên tăng 2,2%, đứng tại mức giá 130.900 đồng/CP; cùng bộ đôi DDG và THD đứng giá tham chiếu, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ và chủ yếu giảm khá sâu.

Cụ thể, L14, PLC, CEO, MBS, PVC, PVS, SLS, L18 nằm sàn; mã lớn khác như SHS giảm 8,3%, IDC giảm 7%, NVB giảm 5,3%...

Bên cạnh SHS giảm sâu, các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng thể hiện trạng thái tiêu cực chung của thị trường với nhiều mã nằm sàn như ART, MBS, APS…

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VKC tiếp tục có thêm phiên tăng trần khi đóng cửa đứng tại mức giá 3.900 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh hơn 13,44 triệu đơn vị; trong khi đứng thứ 2 là SHS khớp xấp xỉ 8,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,91%) xuống 85,44 điểm với 104 mã tăng và 202 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.307 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,5 triệu đơn vị, giá trị 119,71 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR có thanh khoản vượt trội với gần 26,73 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm 5% xuống mức 30.300 đồng/CP. Trong khi OIL giảm 7,6% xuống 12.100 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 6, đạt 1,76 triệu đơn vị.

Điểm sáng thị trường là VGT kết phiên tăng 1,1% lên mức 18.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 khi khớp hơn 2,77 triệu đơn vị.

Một số mã giao dịch sôi động khác như VHG, C4G, G36, PAS đều kết phiên giảm sàn.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm mạnh, trong đó, VN30F2206 đáo hạn hôm nay đã giảm 33,2 điểm (-2,7%) xuống 1.212 điểm, khớp lệnh 397.440 đơn vị, khối lượng mở gần 32.550 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó mã CSTB2210 giao dịch sôi động nhất với hơn 2,43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 22,5% xuống 310 đồng/cq.

Tiếp theo là CTCB2112 khớp gần 2,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan