Giao dịch chứng khoán chiều 23/5: Lực cầu cuối phiên chặn đà rơi mạnh của VN-Index

Giao dịch chứng khoán chiều 23/5: Lực cầu cuối phiên chặn đà rơi mạnh của VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tưởng ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm một lần nữa sẽ bị đe dọa, nhưng lực cầu được kích hoạt tích cực đã giúp VN-Index tìm lại hơn 10 điểm trong đợt khớp lệnh ATC.

Với tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng và thăm dò, các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ cần một nhịp lùi bước để kiểm tra lại cung – cầu và để chờ đợi thêm sự tham gia đồng bộ hơn ở các nhóm ngành.

Thị trường đã khá nhịp nhàng trong gần suốt cả phiên sáng với diễn biến chỉ số VN-Index chỉ biến động nhẹ lình xình quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sự quay đầu của nhóm cổ phiếu bluechip đã lan sang các nhóm ngành khác trên thị trường và diễn biến có chiều hướng tiêu cực hơn về cuối phiên khi hầu hết các nhóm trụ cột đều phủ kín sắc đỏ, chỉ số VN-Index cũng tạm dừng chân tại vùng giá thấp nhất trong phiên.

Tín hiệu xấu đó như báo hiệu cho phiên chiều không hề yên ả. Sau khoảng hơn 30 phút nỗ lực kéo lên vùng giá 1.230 điểm, áp lực bán mạnh đã dâng cao và lan rộng toàn thị trường khiến thị trường ngày càng giảm sâu.

Và “lời nguyền” sau 14h lại diễn ra. Thị trường chìm trong biển đỏ với gánh nặng chính từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 30 điểm, đe dọa về vùng giá 1.200 điểm.

Tuy nhiên, cú lao mạnh này cũng là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư lỡ chưa kịp lên tàu trong nhịp giảm sâu trước đó vào hàng. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp VN-Index lấy lại khoảng 10 điểm trong đợt khớp lệnh ATC.

Thị trường đóng cửa giảm khá mạnh khi để mất hơn 21 điểm nhưng nhóm VN30 là nhân tố tác động lớn khi giảm hơn 27 điểm và điểm tích cực là thanh khoản thị trường có chút cải thiện.

Đóng cửa, sàn HOSE có 91 mã tăng (1 mã tăng trần) và 358 mã giảm (7 mã giảm sàn), VN-Index giảm 21,9 điểm (-1,77%) xuống 1.218,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 557,43 triệu đơn vị, giá trị 13.332,64 tỷ đồng, tăng 10,45% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,9 triệu đơn vị, giá trị 933,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất BVH giữ được sắc xanh với mức tăng 1,2%, cùng cặp đôi GVR và VRE đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu chứng khoán SSI tiếp tục bị xả bán mạnh và kết phiên đứng tại mức giá sàn 26.500 đồng/CP, giảm 6,9%, nhưng thanh khoản tăng đột biến lên hơn 30,83 triệu đơn vị.

Ngoài SSI, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng khá tiêu cực với HCM kết phiên cùng nằm sàn, các mã khác thoát sắc xanh mắt mèo nhưng cũng giảm sâu như FTS giảm 6,8%, VDS và VIX cùng giảm 5,9%, VCI giảm 4,9%, VND giảm 5,3%...

Bên cạnh nhóm chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhân tố tác động mạnh nhất tới chỉ số chung khi sắc đỏ phủ kín toàn ngành với các mã đều giảm sâu hơn. Cụ thể, TPB, VIB và VPB cùng giảm hơn 4%, BID và CTG giảm gần 3,5%, STB giảm 5,8%; TCB, MBB, ACB, MSB đều giảm hơn 2%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không khả quan hơn với sự góp mặt của DIG, HDC, NHA nằm sàn, BCM giảm 6,4% về vùng giá thấp nhất ngày, DXG giảm 6,1%, VGC và DXS cùng giảm 5,9%, SCR giảm 5,5%, TCH giảm 4,9%, HBC giảm 4,3%... cặp VHM và VIC chỉ còn giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng nới rộng đà giảm mạnh hơn như MSN giảm 3,1%, VNM giảm 2,6%, HPG và MWG cùng giảm 2,4%..., FPT, GAS, SAB đều giảm hơn 1%.

Điểm sáng trong phiên hôm nay vẫn thuộc về nhóm thủy sản. Trong đó, IDI giữ vững sắc tím cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 4,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,4 triệu đơn vị; ABT tăng 4,7%, ANV tăng 3,8%, ASM tăng 3,7%, CMX tăng 2,9%, ACL tăng 2,8%, VHC tăng 1,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi sắc đỏ cũng bao trùm thì có những mã lội ngược dòng tích cực. Điển hình là HQC vẫn giữ đà tăng khá tốt khi kết phiên tăng 4,3% lên mức 5.590 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, chỉ thua SSI và STB (cùng khớp hơn 30,8 triệu đơn vị), với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 17 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh trên diện rộng cũng khiến HNX-Index cắm đầu lao dốc trong phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 47 mã tăng và 151 mã giảm, HNX-Index giảm 6,36 điểm (-2,07%), xuống 300,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,28 triệu đơn vị, giá trị 1.641,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 77 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 còn 6 mã giữ được sắc xanh, trong đó HUT vẫn là điểm sáng khi ghi nhận đà tăng tốt nhất dù biên độ thu hẹp đáng kể. Kết phiên, HUT tăng 4,6% lên mức 27.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tiếp tục tăng, đạt 5,32 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã PVC, PVS, TNG tăng hơn 1%, cùng DTD và THD nhích nhẹ hơn 0,5%. Ngoài ra, 5 mã khác trong rổ này là DDG, NDN, NRC, PLC, TAR đứng giá tham chiếu.

Trái lại, có 19 mã giảm điểm với mức giảm khá mạnh. Trong đó, L14 nằm sàn, SHS có thời điểm nằm sàn và kết phiên giảm 7,5%, tương tự CEO cũng giảm tới 7,3%, IDC giảm 4,5%...

Xét về nhóm ngành, cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm mạnh. Ngoài SHS, MBS cũng giảm tới 7%, BVS giảm 6,8%, APS giảm 4,4%, ART giảm 3,2%, TVC giảm 3,9%...

Tâm điểm đáng chú ý trên HNX vẫn là AMV. Sau phiên tăng trần cuối tuần trước, cổ phiếu AMV tiếp tục tăng tốc mạnh trong phiên hôm nay và kết phiên tăng 7,9% lên mức giá cao nhất ngày 9.600 đồng/CP, cùng thanh khoản tiếp tục tăng vọt, lên mức 2,34 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản của thị trường là cặp bluechip gồm SHS khớp 13,17 triệu đơn vị và PVS khớp 11,43 triệu đơn vị, tiếp theo đó là HUT.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu trong gần suốt cả phiên chiều sau khi mở cửa xanh nhạt.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,5%), xuống 93,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,57 triệu đơn vị, giá trị 646,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 172,54 tỷ đồng.

Cặp dầu khí vẫn là điểm sáng của thị trường. Trong đó, BSR kết phiên tăng 2,6% lên mức 24.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 10,45 triệu đơn vị; trong khi OIL kết phiên tăng 1,4% lên mức 14.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt 2,12 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đồng loạt mất điểm. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, ABB giảm 1,7%, VAB giảm 0,9%, NAB giảm 0,7%; ở nhóm chứng khoán có SBS giảm 3,4%, AAS giảm 2,5%, TCI giảm 3,9%...

Một số mã giao dịch sôi động khác trên thị trường như C4G khớp 3,74 triệu đơn vị và kết phiên giảm 0,7%, VHG khớp hơn 3 triệu đơn vị và kết phiên giảm 3,8%; các mã LMH, VGT, ABB< SBS cũng đều khớp hơn 1 triệu đơn vị và kết phiên cùng trong sắc đỏ.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đó VN30F2206 giảm 23,7 điểm (-1,9%) xuống 1.253,1 điểm với khối lượng khớp lệnh lớn nhất, đạt gần 325.000 hợp đồng, khối lượng mở gần 26.520 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng phủ gần kín, trong đó CHPG2117 dẫn đầu thanh khoản khi khớp gần 1,33 triệu đơn vị, kết phiên giảm 14,3% xuống mức 60 đồng/CQ.

Tiếp theo là CMSN2203 khớp hơn 1,32 triệu đơn vị và kết phiên giảm 24,6% xuống 460 đồng/CQ.

Tin bài liên quan