Giao dịch chứng khoán chiều 28/1: Tưng bừng tiệc cuối năm

Giao dịch chứng khoán chiều 28/1: Tưng bừng tiệc cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có phiên giao dịch kết năm Tân Sửu khá hân hoan khi sắc xanh tràn ngập bảng điện tử giúp các chỉ số tăng tốc cùng thanh khoản cải thiện đáng kể. Điểm nhấn là cổ phiếu họ FLC đua nhau tăng mạnh.

Theo thống kê giai đoạn 2016 – 2021, phiên giao dịch cuối cùng của năm âm lịch thường kết thúc trong sắc xanh với xác suất ghi nhận 5/6 lần. Và phiên giao dịch cuối cùng để kết thúc năm Tân Sửu với nhiều biến động mạnh cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Mặc dù đã có những thời điểm áp lực bán dâng cao khiến thị trường rung lắc và chuyển đỏ nhưng nhóm cổ phiếu bluechip đã làm tốt vai trò gánh vác thị trường, giúp VN-Index tạm khép lại phiên giao dịch sáng 28/1 trong sắc xanh.

Sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh với tâm lý kỳ vọng sẽ có chút thành quả trong những phiên chào Xuân mới. Sắc xanh lan rộng toàn thị trường với sự hỗ trợ khá tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index đã tăng vọt vượt mốc 1.480 điểm.

Dù cuối phiên có chút hạ nhiệt khiến VN-Index không thể giữ được mức cao nhất ngày, nhưng thị trường đã có phiên kết năm Tân Sửu khá đẹp. Chỉ số VN-Index quay trở lại cùng thanh khoản tăng khá mạnh, là tín hiệu giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên khởi sắc trong những ngày chào xuân mới tới đây.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,2 điểm (+0,56) lên 1.478,96 điểm với 307 mã tăng và 129 mã giảm, trong đó có 13 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 698,9 triệu đơn vị, giá trị 20.446,89 tỷ đồng, tăng 23,79% về khối lượng và 21,89% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,76 triệu đơn vị, giá trị 1.490 tỷ đồng.

Dòng bank vẫn là trụ cột dẫn dắt chính của thị trường với các mã tăng tốt như TPB tăng 4,4% lên mức 41.950 đồng/CP, là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30; VPB tăng 3,4% lên 36.650 đồng/CP, MBB tăng 21,% lên 33.700 đồng/CP, TCB tăng 1,7% lên 52.800 đồng/CP, BID, STB, HDB nhích nhẹ, đặc biệt EIB vẫn giữ ngôi vị quán quân của ngành khi tăng hơn 6% lên 37.450 đồng/CP.

Tuy nhiên, cổ phiếu lớn đầu ngành là VCB tiếp tục đi giựt lùi khi để mất 2,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 89.000 đồng/CP, là cổ phiếu tác động khá mạnh khiến chỉ số chung không giữ được phong độ.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau khởi sắc, chỉ còn một vài mã như CTS, VDS, TVB điều chỉnh nhẹ. Trong đó, đáng kể là các mã đầu ngành tăng khá mạnh với nhiều mã xác nhận mức giá cao nhất trong ngày như SSI tăng 3,8% lên 45.050 đồng/CP, VND tăng 6,2% lên 69.000 đồng/CP, hay HCM tăng 3,2% lên 37.150 đồng/CP. VCI tăng 1,6% lên 56.000 đồng/CP, FTS tăng 2,4% lên 49.600 đồng/CP, VIX tăng 3,6 lên 25.800 đồng/CP…

Ở nhóm bất động sản, hàng loạt mã lớn bé hồi phục, với VIC, NVL tăng trên dưới 1%, BCM tăng 2,33%, PDR tăng 3,77%, KBC tăng 2,29%, TCH, ITA,HDG tăng hơn 1%, VCG cũng xanh nhạt…

Đặc biệt, cặp vừa và nhỏ FLC và QCG đảo ngược tình thế khi cùng nhau kéo trần thành công. Trong đó, FLC khớp lệnh 23,1 triệu đơn vị và dư mua trần gần 9,67 triệu đơn vị.

Ngoài FLC, các thành viên khác trong họ FLC là ROS, HAI, AMD cũng đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, ROS từ dư bán sàn hơn 4 triệu trong phiên sáng, lực cầu đã hấp thụ hết và kéo cổ phiếu này lên mức 7.09 đồng/CP, tăng 4,4% với khối lượng khớp lệnh gần 27,72 triệu đơn vị; HAI tăng 4,7% lên 5.350 đồng/CP và khớp 3,4 triệu đơn vị, AMD tăng 3,8% lên 5.400 đồng/CP và khớp 3,68 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn đi ngược xu thế chung, với các mã HPG, HSG, NLG, TLH, POM, SMC biến động tăng giảm trong biên độ khá hẹp chưa tới 0,5%.

Đáng kể là nhóm cổ phiếu dầu khí bị xả bán khá mạnh. Cổ phiếu lớn GAS có mức giảm mạnh nhất trong rổ VN30 khi để mất 2,5% xuống mức 109.000 đồng/CP, PLX tiếp tục nới rộng biên độ hơn trong phiên chiều khi giảm 1,6% xuống 56.100 đồng/CP, trong khi PVD nằm sàn với khối lượng khớp hơn 16,19 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 60.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau hơn nửa phiên chiều lình xình dưới mốc tham chiếu, lực cầu sôi động với tâm điểm vào nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường hồi phục và nới rộng đà tăng, lên mức giá cao nhất ngày.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 5,46 điểm (+1,33%) lên 416,73 điểm với 129 mã tăng (13 mã trần), 88 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 67,64 triệu đơn vị, giá trị 1.788,88 tỷ đồng, tăng 30,9% và 10,56% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,95 triệu đơn vị, giá trị 196,23 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ P tiếp tục lùi sâu hơn trong phiên chiều, với PVC giảm 9,4% xuống mức giá sàn 14.400 đồng/CP, PVS giảm 6,2% xuống 27.100 đồng/CP, PVB giảm 2,7% xuống 18.000 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu NTP có màn quay xe thành công khi từ mức giá đỏ đã tăng vọt trong phiên chiều lên mức giá trần 69.300 đồng/CP, tăng 10%, là mã tăng mạnh nhất trong nhóm HNX30.

Bên cạnh đó, các mã tăng tốt khác là VMC tăng 8,4% lên mức 20.600 đồng/CP, thậm chí có lúc tăng kịch trần, cổ phiếu lớn IDC đóng góp tích cực vào chỉ số chung khi tăng 3,3% lên mức giá cao nhất ngày 62.000 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, các nhóm ngành cũng giao dịch khởi sắc hơn trong phiên chiều với nhóm chứng khoán có MBS tăng 3,5% lên 32.800 đồng/CP, SHS tăng 2,3% lên 39.900 đồng/CP, BVS tăng 1,4% lên 36.200 đồng/CP; ART tăng 5,3% lên 10.000 đồng/CP, EVS tăng 2,3% lên 39.200 đồng/CP, APS tăng 2,7% lên 27.000 đồng/CP;

Nhóm ngân hàng với BAB tăng nhẹ 0,4% lên 22.500 đồng/CP, NVB tăng 1,6% lên 32.000 đồng/CP.

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh vượt trội đạt gần 15,25 triệu đơn vị; tiếp theo đó là CEO khớp 6,64 triệu đơn vị và KLF khớp 5,62 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng hồi phục về mốc cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (+0,88%) lên 109,69 điểm với 223 mã tăng (30 mã trần), 192 mã giảm (33 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.467 tỷ đồng, tăng 189% về lượng và 80,72% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đóng vai trò hỗ trợ thị trường như MCH, VEA, VGI đều tăng nhẹ, MSR và VGT cùng tăng 1,7%, đặc biệt SSH tăng 8,2% lên mức giá cao nhất ngày 115.000 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm dầu khí trên UPCoM cũng bị bán mạnh với BSR giảm 4,7% xuống mức 24.500 đồng/CP, còn OIL giảm 9,5% xuống mức 17.100 đồng/CP. Trong đó BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 19,95 triệu đơn vị khớp lệnh, còn OIL khớp 7,21 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu nhỏ như VHG, PVX, HVG, KSK, DCS, AVF… vẫn giảm sâu, trong đó VHG thanh khoản vẫn cao, chỉ thua BSR khi khớp 10,33 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều hồi phục tích cực, trong đó VN30F2202 đáo hạn tháng 2 tăng 16 điểm (+,1%) lên 1.528 điểm với hơn 146.390 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.275 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, trong đó CVRE2112 dẫn đầu thanh khoản với 150.550 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 18,5% lên 1.790 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CVRE2105 khớp 148.730 đơn vị, kết phiên tăng 11,5% lên 1.650 đồng/CQ và CVRE2110 khớp 142.760 đơn vị, kết phiên tăng 6,9% lên 930 đồng/CQ.

Tin bài liên quan