Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/12: Thị trường giao dịch "ru ngủ", EIB tiếp tục mang đến bất ngờ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/12: Thị trường giao dịch "ru ngủ", EIB tiếp tục mang đến bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phiên giao dịch đầy thận trọng của nhà đầu tư, biến động các chỉ số chính chỉ ở mức thấp, thì giao dịch tại hai cổ phiếu ngân hàng là VPB và EIB mang đến sức khác biệt.

Thị trường có thêm một phiên giao dịch ảm đạm, thận trọng và “ru ngủ”, với những lệnh mua, bán chủ yếu là thăm dò. Bảng điện tử có vài nhịp đảo chiều, với sắc xanh chiếm ưu thế đầu phiên sáng đã hụt hơi và trở lại đa số vào cuối ngày, nhưng đa phần các cổ phiếu chỉ thay đổi nhỏ về giá, chỉ số VN-Index theo đó gần như chỉ biến động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.025 điểm cho đến khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 232 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 3,73 điểm (+0,37%), lên 1.022,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 714,2 triệu đơn vị, giá trị 12.898,3 tỷ đồng, giảm gần 17% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 182,5 triệu đơn vị, giá trị 4.481 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu EIB tiếp tục có thêm một phiên có khối lượng khủng với hơn 123,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.444,4 tỷ đồng, khối ngoại phiên này đã bán ròng EIB hơn 101 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu EIB có thời điểm tăng vọt 3,8%, trước khi lùi bước và đóng cửa để mất 2,8% xuống 28.000 đồng, khớp lệnh có gần 4,7 triệu đơn vị.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính, với VPB là đầu tàu khi +4,5% lên 18.450 đồng, khớp lệnh hơn 52,4 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng giữ được mức tăng khá còn có LPB +4,3% lên 13.200 đồng, TPB +3,5% lên 22.350 đồng, OCB +2,9% lên 15.900 đồng, các cổ phiếu còn lại phần lớn cũng đóng cửa trong sắc xanh, với CTG, HDB, VCB, BID, VIB, MSB, MBB nhích từ 0,5% đến 1,7%, còn STB và EIB giảm 0,6% và 2,8%.

Nâng đỡ chỉ số còn đến từ các bluechip PLX +3,9% lên 30.650 đồng và hai cổ phiếu đáng chú ý KDH và PDR, khi đều tăng kịch trần lên 26.850 đồng và 12.800 đồng.

Một cổ phiếu khác là NVL đảo chiều, từ mức gần sát giá sàn đã +2% lên 15.550 đồng, khớp 29,8 triệu đơn vị.

Các mã khác còn tăng là VIC, MWG, SAB, VHM, GVR, POW, trong đó, GVR và POW nhích hơn 2%, còn lại chỉ tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, GAS là cổ phiếu giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ -2,2% xuống 101.200 đồng, VNM -1,7% xuống 77.000 đồng, các mã VJC, MSN, SSI giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím xuất hiện tại một số cổ phiếu như DHA, EVF, ELC, VRC.

Ngoài ra là HPX, khi có thời điểm giảm về gần giá sàn đã tăng vọt lên +6,2% lên 5.450 đồng, khớp hơn 14,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vận tải, logistics phiên này đóng góp một số cái tên tăng tốt như TCO +4,3% lên 7.000 đồng, PVT +4,4% lên 21.500 đồng, SFI +5,4% lên 33.000 đồng, VNS +6,4% lên 17.350 đồng,

Nhóm công ty chứng khoán có FTS tăng sát giá trần +6,6% lên 19.450 đồng, TVS +5,5% lên 23.000 đồng, APG +5% lên 6.480 đồng, CTS +3,8% lên 13.700 đồng, TVB +3,8% lên 3.860 đồng.

Nhóm xây dựng, bất động sản có TEG, DIG, FCN, CII, TDC, TGG, NBB, TDH khi tăng từ 3% đến gần 6%. Trong đó, DIG là cổ phiếu khớp lệnh tốt nhất với gần 13 triệu đơn vị.

Trái lại, gia nhập nhóm cổ phiếu giảm sàn có ACL và GIL, cùng IBC, trong đó, IBC khớp chỉ 87.900 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 12,78 triệu đơn vị, GIL khớp hơn 1,42 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn tại một số cổ phiếu quen thuộc ở các cổ phiếu bất động sản, dịch vụ, thép, thủy sản, hàng không như QCG, NKG, KPF, ANV, PET, TLD, HSG, DBC, HVN, POM, CKG…với mức giảm từ 3% đến 6,5%. Trong đó, hai cổ phiếu thép khớp lệnh cao nhất là HSG có 13,77 triệu đơn vị, NKG khớp hơn 10 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co quanh mức đóng cửa phiên sáng, nhưng đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên tham chiếu khi đóng cửa.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 87 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,32 điểm (+0,65%), lên 205,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,58 triệu đơn vị, giá trị 774 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,59 triệu đơn vị, giá trị 197 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng hoặc nới đà đi lên, đáng kể như CEO +4,8% lên 19.700 đồng, NAG +6,5% lên 14.700 đồng, L14 +2,2%, LIG +2,8%, PVS +2,8%, cùng DL1 và HHG tăng trần lên 3.100 đồng và 1.700 đồng.

Các mã tăng khác còn có PVC, TAR, LHC, SCG, GKM…dù mức tăng khiêm tốn hơn, trong khi đó, SHS, APS, HUT, MST, BII, PVL giảm, với SHS -2,2% xuống 8.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 16,1 triệu đơn vị, còn PVL đảo chiều từ giá trần xuống giá sàn -6,9% xuống 2.700 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rơi về dưới tham chiếu ngay khi vào phiên chiều, dù cũng phục hồi dần, nhưng chỉ chạm gần tham chiếu trước khi bật lên hẳn sắc xanh ở vài phút cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,19%), lên 70,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,78 triệu đơn vị, giá trị 231,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,67 triệu đơn vị, giá trị 114 tỷ đồng.

Sáng nhất UpCoM là cổ phiếu ngân hàng KLB, khi vọt lên giá trần +15% lên 12.300 đồng, khớp hơn 0,76 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu khác cũng đã hồi phục, dù mức tăng chỉ trên dưới 2% như AFX DDV, QTP, VGI, ABB, QNS, OIL, DRI, cùng những cổ phiếu khá hơn là VHG +4,2%, LMH +9,8%...

Cổ phiếu BSR kết phiên +1,5% lên 13.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,59 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2301 nhích nhẹ 0,7 điểm, tương đương +0,07% lên 1.037,7 điểm, khớp lệnh hơn 363.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, nhóm các mã thanh khoản cao phần lớn đứng tham chiếu như CHPG2202 với 1,56 triệu đơn vị, dừng chân tại 20 đồng/cq, tương tự là CPOW2204, CHPG2221, CSTB2211…

Hai mã CSTB2218 và CHPG2216 khớp 1,33 triệu đơn vị và 1,11 triệu đơn vị đều giảm, với CSTB2218 -7,7% xuống 360 đồng/cq và CHPG2216 giảm gần 70% xuống 50 đồng/cq.

Tin bài liên quan