Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/2: Lực mua gia tăng, VN-Index thu hẹp đà giảm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/2: Lực mua gia tăng, VN-Index thu hẹp đà giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực đẩy bất ngờ từ MBB cùng một số bluechip khác và sự khởi sắc ở nhóm dầu khí đã tiếp sức giúp thị trường tránh được một phiên giảm sâu trong ngày các thị trường bên ngoài chao đảo.

Sau phiên sáng giảm khá sâu với gần 20 điểm bị lấy đi về gần 1.490 điểm, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục chịu sức ép và rơi về dưới 1.485 điểm khá nhanh, thách thức đường MA20 và MA50.

Tuy nhiên, tại đây, lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh ở một số cổ phiếu lớn và không ít cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đổi sắc đã kéo chỉ số dần đi lên và đóng cửa thu hẹp đáng kể đà giảm, lấy lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 điểm và thanh khoản tăng vọt.

Không chỉ phiên chiều, trong phiên sáng, mỗi lần VN-Index bị đẩy xuống vùng giá thấp, lực cầu đều gia tăng, giúp thanh khoản ở các vùng đáy của mỗi phiên đều cao, cho thấy dòng tiền chực chờ vùng giá thấp khá lớn.

Dù giảm điểm, nhưng VN-Index đóng cửa với cây nến xanh rút chân, bật lên rất tốt sau khi chạm đường MA20 ở vùng 1.483 điểm kèm thanh khoản thị trường cũng gia tăng phát tín hiệu tích cực về xu hướng trong thời gian tới. Về mặt kỹ thuật, dù rung lắc mạnh nhưng thị trường vẫn đảm bảo xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng trước mắt cần vượt qua vùng 1.511 điểm để có thể thử thách ở vùng đỉnh lịch sử 1.530 điểm trong vài phiên tới.

Đang có những tín hiệu tốt để thực hiện mục tiêu này khi dòng cổ phiếu ngân hàng bắt đầu phát tín hiệu trở lại, với mã khởi nguồn hôm nay là MBB.

Trong phiên sáng, MBB chỉ tăng 1,5%, nhưng đã nới đà đi lên và đóng cửa +5,4% lên 34.400 đồng, khớp lệnh cũng tăng vọt lên hơn 37,4 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.

Ngoài ra, cổ phiếu MBB cũng là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 1,8 điểm tích cực, đồng thời cũng vươn lên trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm bluechip.

Cùng MBB, một số cổ phiếu ngân hàng lớn cũng đã đảo chiều tăng, dù mức tăng không ấn tượng bằng, với BID +1,7%, STB +1,5%, TPB +1,5%, ACB +0,9%, CTG +0,6%.

Bên cạnh đó, mặc dù không chiếm tỷ trọng vốn quá lớn, nhưng nhóm dầu khí sau phiên hôm nay hầu hết các mã đều phát tín hiệu vào sóng tăng tốt sẽ là động lực bổ sung tốt cho nhóm ngân hàng nâng đỡ thị trường các phiên tới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 147 mã tăng và 319 mã giảm, VN-Index giảm 7,37 điểm (-0,49%), xuống 1.503,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 908 triệu đơn vị, giá trị 28.237,1 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 45% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,6 triệu đơn vị, giá trị 1.266 tỷ đồng.

Ngoài các mã ngân hàng trên, các mã lớn khác cũng đã đóng góp vào đà hồi phục của VN-Index như PLX +3,5% lên 62.000 đồng, PNJ +3,3% lên 110.000 đồng, MWG +2,8% lên 137.700 đồng.

Các mã giảm cũng đã hãm bớt đà rơi, với POW giảm sâu nhất cũng chỉ còn -3,3% xuống 17.800 đồng, SSI -2,2%, VJC -2,2%, VIC -1,9%, MSN -1,7%, BVH -1,6%, PDR -1,5%, VNM -1,2%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch đáng chú ý vẫn là ở nhóm họ louis với TGG, AGM tăng trần.

Các mã ngành bán lẻ, ngoài MWG và PNJ nêu trên thì FRT vượt trội khi cũng đã có mức giá trần tại 116.000 đồng.

Tuy vậy, với việc giá dầu tăng mạnh, lập đỉnh, nhóm dầu khi hôm nay đã có phiên khởi sắc với hàng loạt cổ phiếu ASP, PET, PSH, PGD đều đã tăng hết biên độ, PXS +3,4% lên 12.000 đồng, CNG +3,2% lên 35.100 đồng, PGC +3,2% lên 24.000 đồng, PIT +2,7% lên 8.830 đồng, PVD +2,7% lên 32.050 đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ tăng nóng những phiên vừa qua bị chốt lời mạnh nên đồng loạt quay đầu giảm sàn như LDG, NHA, DIG, VRC, DRH. Các mã khác dù không có sắc xanh lơ, nhưng cũng chìm trong sắc đỏ như FLC, ROS, ITA, DXG, HQC, SCR, KBC, TCH, HBC, BCG, DLG, VCG, FCN... trong đó, các mã giảm mạnh có SRC -6,3%, HQC -5,1%, ITA -4,1%, FCN -4,1%, khớp lệnh nhóm này thuộc top cao nhất HOSE, từ hơn 6,2 triệu đến 31,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thiếu lực đỡ lớn, nên HNX-Index gần như chỉ đi ngang quanh vùng giá đóng cửa của phiên sáng và chỉ bật nhẹ lên đôi chút ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 68 mã tăng và 176 mã giảm, HNX-Index giảm 6,56 điểm (-1,49%), xuống 434,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 119,1 triệu đơn vị, giá trị 3.618,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,56 triệu đơn vị, giá trị 18,2 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, khi chỉ một số nhích lên ở nhóm dầu khí là PVS +3,8% lên 30.200 đồng, PVC +6,6% lên 16.200 đồng, PVG +5,8% lên 24.500 đồng.

Cùng với đó là nhóm nhà louis với BII +4% lên 12.900 đồng, SMT giữ giá trần tại 18.700 đồng, VKC +4,5% lên 11.700 đồng.

Ngoài ra, một số mã đã bất ngờ đảo chiều lên trên tham chiếu như IDJ, NDN, OCH, HTP...

Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, đáng kể là CEO khi giảm sàn -9,9% xuống 66.300 đồng.

Giảm sâu khác còn có IDC -3,4% xuống 71.100 đồng, L14 -9,3% xuống 362.000 đồng, PVL -6,2% xuống 13.600 đồng, TVC -3,6% xuống 18.900 đồng, DVG -3% xuống 12.800 đồng...

Thanh khoản phiên này PVS cao nhất sàn với 17,9 triệu đơn vị khớp lệnh, CEO khớp 14,95 triệu đơn vị, KLF khớp 6,4 triệu đơn vị, SHS khớp hơn 5,5 triệu đơn vị...

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở rộng đà giảm ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng cũng đã nhận lực cầu tích cực và thu hẹp đà giảm sau đó về cuối phiên.

Bảng điện tử bớt tiêu cực hơn với cặp đôi BSR và OIL giữ mức tăng 1,5% và 3,3%. Các mã nhích lên khác là BVB +1,5%, SBS +2,1%, VAB +1,3% và DDV +10,7% lên 23.700 đồng.

Trong khi hai cổ phiếu VHG và C4G vẫn giảm sâu, lần lượt -4% xuống 9.600 đồng và -3,6% xuống 21.200 đồng.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,58%), xuống 113,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80,5 triệu đơn vị, giá trị 1.615,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,13 triệu đơn vị, giá trị 48,8 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 12,5 điểm (-0,82%), xuống 1.517,5 điểm, khớp hơn 176.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 24.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CFPT2110 giao dịch sôi động nhất với 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 25% xuống 300 đồng/cq.

Tương tự, CHPG2201 khớp 1,74 triệu đơn vị và giảm 6% xuống 960 đồng/cq, trong khi CVRE2109 khớp 1,56 triệu đơn vị và tăng 7,7% lên 1.400 đồng/cq.

Tin bài liên quan