Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/2: Nhà đầu tư xả hàng, VN-Index “bay” hơn 23 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/2: Nhà đầu tư xả hàng, VN-Index “bay” hơn 23 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thay vì tâm lý cầm chừng như ở phiên sáng, áp lực bán đã tăng mạnh và trên diện rộng ngay khi bước phiên chiều, đẩy chỉ số VN-Index lùi sâu về mức thấp nhất phiên với mức giảm hơn 23 điểm, xuyên thủng ngưỡng MA20.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (7/2), thị trường giao dịch trong tâm lý cầm chừng khiến VN-Index chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp, trước khi nới rộng hơn đà giảm vào cuối phiên do sức ép lớn dần ở nhóm cổ phiếu lớn.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán bắt đầu tăng, tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips, khiến VN-Index bị đẩy xuống sâu hơn. Tuy nhiên, trong 1 giờ giao dịch đầu của phiên chiều, ngưỡng MA20 đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt khi VN-Index nhiều lần nẩy trở lại khi chạm ngưỡng này.

Tuy nhiên, từ thời điểm 14h, lực bán xả hàng ồ ạt từ nhóm bluechip đã lan rộng ra khắp bảng điện tử, khiến VN-Index bị đẩy mạnh xuống phía dưới, kết phiên ở mức thấp nhất ngày với mức giảm hơn 23 điểm và xuyên thủng phòng tuyến MA20 một cách dễ dàng.

Việc nhiều nhóm cổ phiếu bị đẩy bán mạnh về mức giá thấp đã kích thích cầu bắt đáy hoạt động mạnh, qua đó giúp thanh khoản cải thiện hơn so với 3 phiên trước, song chưa bằng mức trung bình của tuần trước.

Đóng cửa, với 342 mã giảm và chỉ 77 mã tăng, VN-Index giảm 23,45 điểm (-2,15%) về 1.065,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 673,2 triệu đơn vị, giá trị 12.167,53 tỷ đồng, tăng khoảng 27% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 6/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 70 triệu đơn vị, giá trị 1.935 tỷ đồng.

Áp lực bán tăng khiến nhiều mã bluechips nới rộng hơn đà giảm như HPG lùi sát mức giá sàn 19.750 đồng (-6,6%), các mã NVL, GVR giảm hơn 5%, còn SSI, VPB, MWG, VRE, VCB giảm hơn 3-4%, thậm chí PDR giảm sàn 6,9% về 12.800 đồng.

Chỉ còn 5 mã tăng nhẹ là STB, TPB, FPT, PLX, GAS và BCM đứng giá tham chiếu.

HPG khớp lệnh mạnh nhất rổ cũng là dẫn đầu sàn HOSE với 43,37 triệu đơn vị. Các mã NVL và STB khớp khoảng 20 triệu đơn vị; TPB, SSI và VPB khớp 15-17 triệu đơn vị. PDR khớp xấp xỉ 10 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu thép, không chỉ HPG, các mã HSG và NKG cũng bị bán mạnh nên đều nằm sàn. HSG giảm về 13.550 đồng và khớp gần 26,7 triệu đơn vị, đứng sau HPG. Tiếp theo là VND với 23,5 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 5,3% về 14.350 đồng.

Một số mã giảm kịch biên độ trong phiên như HHV, SBT, DRH, KSB…, trong đó HHV giảm về 12.050 đồng và khớp 9,57 triệu đơn vị, SBT giảm về 14.550 đồng và khớp 5,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến tương tự khi cũng giảm về mức thấp nhất phiên trước sức ép gia tăng trong phiên chiều, thanh khoản tăng mạnh.

Đóng cửa, với 127 mã giảm và 44 mã tăng, HNX-Index giảm 4,47 điểm (-2,09%) về 210 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,08 triệu đơn vị, giá trị 1.075,07 tỷ đồng, tăng 40% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên 6/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,6 triệu đơn vị, giá trị 190,4 tỷ đồng.

Tại rổ HNX30, việc DL1 tăng trần 8,3% lên 3.900 đồng hay TNG, TVD, DDG, BVS, LHC còn tăng điểm cũng không giúp HNX thoát được phiên giảm sâu khi nhiều mã lớn khác giảm mạnh như TIG -6,8%; CEO, IDC, HUT, TAR, L14, NBC giảm 5-6%; SHS, MBG, MST... giảm hơn 4%...

Trong đó, SHS dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 15,18 triệu đơn vị, tiếp theo là CEO với 10,11 triệu đơn vị. DL1 khớp 2,53 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng lao dốc trong phiên chiều, song không đứng ở mức thấp nhất nhờ nhịp hồi nhẹ trước khi đóng cửa, thanh khoản tăng cao.

Đóng cửa, với 142 mã giảm và 91 mã tăng, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,55%) về 75,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh hơn 29,08 triệu đơn vị, giá trị 361,76 tỷ đồng, tăng 61% về khối lượng và 51% về giá trị so với phiên 6/2. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cổ phiếu BSR ghi nhận giao dịch khá tích cực khi duy trì được sắc xanh trong suốt phiên với mức tăng 0,6% lên 16.000 đồng và khớp lệnh 8,16 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Tiếp theo là các mã C4G, SBS, ABB, VHG và NED với thanh khoản từ 1-3 triệu đơn vị. Trong đó, VHG và NED đứng giá tham chiếu, còn C4G, SBS, ABB đều giảm, riêng C4G giảm mạnh 6,9% về 10.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó VN30F2302 giảm 23,3 điểm (-2,1%) về 1.067,3 điểm, khớp lệnh 278.669 đơn vị, khối lượng mở 53.353 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo, trong đó CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với 5,965 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 22,2% về 70 đồng/CQ.

Tin bài liên quan