Giao dịch chứng khoán phiên sáng 11/10: Lực bán quay lại, VN-Index lao dốc

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 11/10: Lực bán quay lại, VN-Index lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đúng như lo ngại về phiên hôm qua chỉ là một phiên hồi kỹ thuật, thị trường đã chứng kiến áp lực xả hàng tiếp tục được đẩy vào thị trường từ khá sớm và dứt khoát trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, dù thị trường giảm sâu từ khá sớm, có thời điểm VN-Index bị về sát 1.010 điểm. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật hồi, thậm chí còn nhích lên trên tham chiếu và tiến tới 1.050 điểm, trước khi lùi về 1.042 điểm khi đóng cửa.

Dù vậy, thanh khoản thị trường không mấy cải thiện, khi chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận đóng góp tới hơn 5.000 tỷ đồng. Điều này khiến giới đầu tư vẫn tin rằng, đây chỉ là một nhịp hồi phục kỹ thuật khi thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 11/10, đúng như lo ngại, lực bán mạnh đã xuất hiện ngay khi thị trường mở cửa và VN-Index lao nhanh xuống quanh khu vực 1.025 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, với bảng điện tử rất tiêu cực khi hơn 300 mã giảm và chỉ hơn 70 cổ phiếu tăng, trong đó, một số cổ phiếu bluechip gây ảnh hưởng mạnh như VHM, PDR, MSN, VIC, NVL với mức giảm 3% đến hơn 6%.

Đáng chú ý, khác là bộ đôi cổ phiếu ngân hàng TPB và TCB, khi giảm tới gần 6%, thậm chí TCB có lúc đã lùi về giá sàn, khớp lệnh thuộc top cao nhất HOSE.

Ngoài hai mã trên, thì nhiều cổ phiếu khác trong nhóm cũng đang là những mã hút giao dịch nhất như SHB, STB, VPB, MBB, LPB…với tất cả đều chìm trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu thép có lẽ là những cái tên ngược dòng đáng chú ý, dù HPG vẫn đang giảm nhẹ, thì HSG, NKG có mức tăng khá trên dưới 3,5%.

Sau khi lùi về quanh ngưỡng 1.025 điểm, áp lực bán tiếp tục lớn dần lên, hàng chục cổ phiếu đã giảm sàn, bảng điện tử tiêu cực hơn, trong khi lực mua chùn tay, khiến VN-Index lao dốc tiếp và để mất gần 30 điểm về gần 1.010 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 52 mã tăng và 400 mã giảm (25 mã giảm sàn), VN-Index giảm 29,35 điểm (-2,82%), xuống 1.013,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 262,2 triệu đơn vị, giá trị 4.945 tỷ đồng, giảm gần 30% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 877,3 tỷ đồng.

Toàn nhóm bluechip chỉ còn GAS nhích nhẹ 0,2% và VNM lùi về tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trong đó, TCB là cổ phiếu giảm sâu nhất khi chạm giá sàn -7% xuống 24.000 đồng, khớp lệnh gần 10 triệu đơn vị.

Tiếp theo đều là các cổ phiếu ngân hàng khác, với TPB -6,5% xuống 19.450 đồng, STB -6,2% xuống 15.950 đồng, VIB -5,8% xuống 18.800 đồng, VPB -5,5% xuống 14.500 đồng, HDB -5% xuống 16.050 đồng.

Theo sau là nhóm cổ phiếu MSN, POW, GVR, VIC, MWG, NVL, PDR, với mức giảm mạnh từ 4% đến 4,8%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, không thiếu các mã quen thuộc đã về giá sàn như bất động sản là DRH, NVT, HDC, KBC, TDC, công ty chứng khoán “đóng góp” hai cái tên ORS và VIX, ngoài ra là HAG, khi là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn với hơn 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Giảm sâu khác còn không ít, với những cái tên ở nhóm bất động sản, xây dựng như NBB, ITA, FCN, YEG, LDG, DPG, KHG, HTN, HBC, VCG, GEX, DXS, TIP, DXG, SCR, VPH, hay cổ phiếu chứng khoán BSI, VDS, với mức giảm từ 6% đến 6,8%.

Ở chiều ngược lại, lác đác một vài sắc xanh tại DAG, IDI, BAF, HAX, BIC, DPM, nhưng mức tăng chỉ trên dưới 1,5%.

Trong khi cặp đôi thép HSG, NKG là điểm sáng ở nửa đầu phiên, đã hạ nhiệt về cuối phiên, với NKG chỉ còn +0,6% lên 16.250 đồng, HSG +2% lên 12.850 đồng.

Trên sàn HNX, tình hình cũng không khá hơn, khi HNX-Index sớm lao dốc từ sớm và tìm đến các mức đáy thấp hơn trong phiên cho đến khi tạm nghỉ giao dịch.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 184 mã giảm (14 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,38 điểm (-2,78%), xuống 223,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,52 triệu đơn vị, giá trị 320,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,75 triệu đơn vị, giá trị 20,55 tỷ đồng.

Những cổ phiếu có khối lương giao dịch cao nhất sàn đều giảm, với KLF, MST, DL1, DVG đều giảm sàn.

Giảm sâu khác như IDJ -7,9% xuống 9.300 đồng, CEO -6% xuống 15.600 đồng, AMV -5,6% xuống 5.100 đồng, MBS -5,6% xuống 15.100 đồng, APS -4,9% xuống 9.700 đồng.

Nhóm SHS, PVC, ART, HUT, VKC, MBG, TVC, BII, IDC giảm từ hơn 3% đến gần 5%.

Trong khi PVS -2,1% xuống 23.600 đồng và là cổ phiếu thanh khoản cao nhất với 2,82 triệu đơn vị, theo sau là SHS với 2,67 triệu đơn vị, KLF khớp 2,19 triệu đơn vị, CEO khớp 1,66 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, cũng đã chịu áp lực bán gia tăng và đẩy chỉ số này lùi sâu về mức đáy trong phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,07 điểm (-1,34%), xuống 79,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị 183,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 15,2 tỷ đồng.

Bảng điện tử UpCoM ít tiêu cực hơn hai sàn chính, với các cổ phiếu như BSR, OIL, VHG, PAS, LCM, DSC, VLC, LTG, VGT tăng điểm, dù ngoài LCM và DSC tăng khoảng 6%, còn lại chỉ nhích nhẹ, khớp lệnh từ 0,13 triệu đến 0,53 triệu đơn vị.

Riêng BSR khớp hơn 3,92 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM, giá cổ phiếu tăng 1% lên 20.200 đồng.

Tin bài liên quan