Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/4: Cổ phiếu Novaland (NVL) tiếp tục hút tiền, VN-Index lình xình trong biên độ hẹp

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/4: Cổ phiếu Novaland (NVL) tiếp tục hút tiền, VN-Index lình xình trong biên độ hẹp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào cổ phiếu NVL của Novaland sau thông tin Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác làm việc với Đồng Nai, Bình Thuận để gỡ vướng cho các dự án của Novaland.

Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc cho các dự án bất động sản của Novaland.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác làm việc với UBND hai tỉnh để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Novaland theo đúng quy định pháp luật, báo cáo trước ngày 15/4.

Thông tin này ngay lập tức tác động tích cực tới cổ phiếu NVL trong phiên hôm qua (11/4) khi dòng tiền ồ ạt chảy vào mã này, kéo NVL lên mức kịch trần 14.200 đồng với thanh khoản gần 63,5 triệu đơn vị, mức cao nhất hơn 4 tháng.

Sức nóng từ NVL đã lan tỏa ra nhóm cổ phiếu bất động sản, kéo nhiều mã của nhóm này tăng theo.

Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành liên tục ban hành các chính sách tháo gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như giảm lãi suất – những giải pháp được cho giúp doanh nghiệp bất động sản giải quyết được bài toán thanh khoản dòng tiền – nhóm cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi tăng khá tốt trong 2 tuần qua. Sau nhịp điều chỉnh từ cuối tuần qua, nhóm bất động sản lại nhận được thông tin hỗ trợ kịp thời để trở lại.

Việc Phó Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland không chỉ là tin tích cực cho riêng doanh nghiệp này, mà là cả thị trường, bởi các vướng mắc mà Novaland đang gặp phải cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp địa ốc khác đang vướng vào. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của Novaland sẽ là tạo tiền lệ để các cơ quan quản lý và địa phương thực hiện với các dự án khác, qua đó phần nào tháo được ách tắc về thủ tục cho thị trường.

Với đánh giá tích cực đó, ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu NVL nói riêng và nhiều cổ phiếu bất động sản khác nói chung tiếp tục là địa chỉ tìm đến của dòng tiền. Trong đó, NVL vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 26 triệu đơn vị sau 1 tiếng giao dịch và có lúc tăng trần lên 15.150 đồng, trước khi hạ nhiệt nhẹ, đang giữ mức tăng 5,6%.

Tương tự, GEX và PDR cũng đang tăng hơn 2% và khớp trên dưới 8 triệu đơn vị. Ngoài ra, sắc xanh cũng lan tỏa tới các mã khác như VPH, HDG, HDC, VHM, HPX, NTL…

Trong nhóm ngân hàng, sắc đỏ và sắc xanh đang khá cân bằng. Tuy nhiên, bên giảm chỉ ở mức khiêm tốn, trong khi bên tăng thì có SHB và EIB tăng hơn 3%. Trong đó, SHB vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 ngày hôm qua (11/4) với thông tin đáng chú ý với nhà đầu tư được ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng tiết lộ là SHB sẽ thay đổi chiến lược tìm cổ đông ngoại.

Đặc biệt, thương vụ bán SHB Finance, ông Hiển cho biết: “Dự kiến trong tháng 4 sẽ thực hiện xong thủ tục, tháng 5 sẽ thực hiện giao tiền và đối tác sẽ đặt trước 50%. 3 năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và đối tác vào quản trị điều hành. Giá trị bán theo như thoả thuận thì chưa công bố được, nhưng cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài".

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, dù sắc sắc đang chiếm ưu thế, nhưng VN-Index vẫn chưa thể bứt lên mà lình xình quanh ngưỡng 1.070 điểm do bị một số mã lớn ngáng chân, điển hình như VIC, SAB, VJC, BCM, VNM, HPG và một vài mã ngân hàng.

Lực bán sau đó gia tăng, khiến nhiều mã tăng mạnh hạ nhiệt, một số mã khác thì quay đầu giảm, khiến độ rộng trên bảng điện tử cân bằng hơn. VN-Index theo đó cũng bị đẩy lùi xuống dưới tham chiếu, nhưng may mắn kịp trở lại với sắc xanh nhạt trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,09 điểm (+0,10%), lên 1.070,55 điểm với 183 mã tăng và 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 341,3 triệu đơn vị, giá trị 5.844,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,8 triệu đơn vị, giá trị 618,9 tỷ đồng.

NVL vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 31 triệu đơn vị. Áp lực bán lớn khiến mã này có lúc bị đẩy về gần tham chiếu, nhưng cuối phiên vẫn trở lại được đà tăng tốt, dù không thể duy trì đà tăng trần thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên, NVL tăng 5,3% lên 14.950 đồng.

Các mã bất động sản hoặc liên quan đến bất động sản đáng chú ý khác cũng duy trì đà tăng tốt là GEX tăng 2,3% lên 13.600 đồng, khớp 13,46 triệu đơn vị và PDR tăng 2,2% lên 13.800 đồng, khớp 10,23 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất trong nhóm là NLG tăng 5,7% lên 31.650 đồng. Các mã khác như KBC, VCG, HPX, ITA, HDC, KDH, VPH, VHM… cũng duy trì được đà tăng. Trong khi đó, DIG, HQC, NVT, LDG, HBC, NBB, DXG… chìm trong sắc đỏ. Trong đó, DIG giảm 2% xuống 17.150 đồng, khớp 8,62 triệu đơn vị, DXG giảm 0,7% xuống 13.600 đồng, khớp 6,35 triệu đơn vị, HQC giảm 2% xuống 4.430 đồng, khớp 5,64 triệu đơn vị.

Trong khi các mã khác có những thời điểm rung lắc, thì SHB lại giữ được sự ổn định khác chắc chắn trong sáng nay. Chốt phiên, SHB tăng 3,4% lên 12.150 đồng, khớp 22,84 triệu đơn vị, đứng sau NVL về thanh khoản. EIB hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,6% lên 19.750 đồng. VIB tăng 1,4% lên 21.400 đồng, STB tăng 1,4% lên 26.300 đồng. Trong nhóm này còn có LPB, MSB, HDB tăng giá, nhưng mức tăng không lớn.

Trong khi đó, nhóm giảm có nhiều mã lớn trong ngành là VCB, CTG, BID, TCB, VPB, nhưng mức giảm rất ít.

Trong nhóm chứng khoán chỉ duy nhất TVB tăng 1,8% lên 4.520 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong các mã lớn, SSI, HCM và VCI giảm trên 1%, còn VND giảm nhẹ hơn khi mất 0,6%, khớp lớn nhất nhóm với 6,97 triệu đơn vị.

Trong nhóm thép, các mã dẫn dắt đều giảm, nhưng mức giảm không lớn, NKG giảm 1%, HPG giảm 0,2%, còn HSG đứng giá tham chiếu.

Sàn HNX sáng nay cũng có diễn biến khá giống với sàn HNX khi mở cửa có sắc xanh, nhưng biến động trong biên độ hẹp, có lúc về dưới tham chiếu trước khi kịp trở lại, nhưng không thể có sắc xanh như VN-Index, mà chỉ ở điểm xuất phát.

Chốt phiên sáng, HNX-Index đứng tham chiếu 212,34 điểm với 74 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,4 triệu đơn vị, giá trị 593,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 47,6 tỷ đồng.

SHS là mã có thanh khoản tốt nhất với 12,5 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại và đóng cửa ở tham chiếu 10.600 đồng. Trong khi đó, BII là mã tăng tốt nhất trong số các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay trên HNX khi đóng cửa ở mức trần 1.900 đồng, khớp 2 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí có sắc xanh với PVS tăng 0,8% lên 26.300 đồng, khớp 2,52 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản; PVC tăng tốt hơn với 4,4% lên 16.700 đồng, khớp 2,14 triệu đơn vị.

UPCoM biến động mạnh hơn, nhưng đóng cửa có mức tăng tốt hơn 2 sàn niêm yết sáng nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,34%), lên 79,08 điểm với 144 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25 triệu đơn vị, giá trị 1.705 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 1.444,6 tỷ đồng, đóng góp chính là giao dịch thỏa thuận 5,53 triệu cổ phiếu IDP, giá trị 1.429,5 tỷ đồng.

Về khớp trên sàn, C4G là mã có thanh khoản tốt nhất sáng nay với 5,98 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,9% lên 12.600 đồng. Tiếp đến là BSR khớp 2,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 16.700 đồng. Hai mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SBS khớp 1,22 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 6.100 đồng và QTP khớp 1,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,4% lên 15.600 đồng.

Tin bài liên quan