Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/9: Chờ kịch hay phiên chiều

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/9: Chờ kịch hay phiên chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm ngân hàng le lói trở lại, nhưng lực cầu thận trọng trong ngày đáo hạn phái sinh khiến VN-Index chưa thể bứt qua ngưỡng cản 1.350 điểm.

Trong phiên hôm qua, dòng tiền vẫn ngó lơ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ hướng vào nhóm thị trường khiến VN-Index tích lũy đi ngang trong vùng 1.330-1.350 điểm.

Mặc dù vậy, thông tin về xuất khẩu thép tháng 8 cao nhất từ trước tới nay như mồi lửa thắp sáng nhóm thép, và đà bùng nổ của MSN là tác nhân chính kéo VN-Index bứt lên trên 1.345 điểm khi đóng cửa.

Trên đồ thị kỹ thuật, một lần nữa VN-Index lại bật lên khi chạm đường MA20 (1.334 điểm), phiên thứ 5 đóng cửa trên đường trung bình này, nhưng đường MA20 vẫn đang theo xu hướng đi xuống.

Tuy đã tăng điểm trở lại, nhưng nhìn chung chỉ số vẫn đang giao dịch trong biên độ hẹp 1.330-1.350 điểm và chưa có tín hiệu bứt phá vùng giá trị này.

Phiên giao dịch tiếp theo là ngày đáo hạn của VN30F2109 nên diễn biến tăng hay giảm mạnh về cuối phiên là có thể xảy ra.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/9, lực mua kỹ thuật ngay trong phiên ATO đã giúp VN-Index thêm một lần bật lên trên 1.350 điểm khá nhanh.

Mặc dù vậy, cũng như nhiều nhịp chạm vùng này thời gian gần đây, áp lực bán lại gia tăng đã khiến chỉ số quay đầu, thậm chí còn chớm đỏ trước khi bật trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch.

Giao dịch tích cực nhất và là điểm tựa lớn đang thuộc về nhóm ngân hàng, khi có sự đồng thuận lớn dù biên độ tăng chưa thật sự ấn tượng, với CTG tăng cao nhất cũng chỉ hơn 2%%.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, thì VRE và MSN cũng đang hỗ trợ đắc lực, với VRE tăng gần 6%.

Trong khi đó, VIC lại đang trở thành lực cản lớn nhất với chỉ số, khi có thời điểm mất gần 4%.

Dòng tiền có dấu hiệu trở lại nhóm vốn hóa lớn khi thanh khoản cặp đôi VCI-VRE và HPG đang dẫn đầu sàn HOSE, cùng một số cổ phiếu ngân hàng MBB, CTG, TPB đang hút lệnh mua.

Ở những nơi khác, các cổ phiếu quen thuộc gần đây tiếp tục mở cửa tăng vọt lên mức giá trần, đáng kể là ở nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu AGM, FDC, QBS… Đặc biệt, cổ phiếu TDH của Thuduc house đang rất nóng khi nhà nhà tranh mua, khiến lượng dư mua trần lên tới hơn 21 triệu đơn vị, khớp chỉ hơn 2,2 triệu đơn vị.

Đây là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của TDH và là phiên tăng mạnh thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này.

Thêm một lần ngưỡng 1.350 điểm gây khó, khi chạm tới mức giá này, VN-Index đã quay đầu giảm dần đều về tham chiếu khi áp lực bán gia tăng trên bảng điện tử, trong khi nhóm ngân hàng gần như hết lực, còn gánh nặng VIC vẫn kéo dài.

Ngoài ra, hôm nay là ngày đáo hạn phái sinh tháng 9, nên nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn, bởi những phiên đáo hạn phái sinh, thị trường thường diễn ra những bất ngờ, nhất là đợt ATC.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 194 mã tăng và 200 mã giảm, VN-Index tăng 0,35 điểm (+0,03%), lên 1.346,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 349,8 triệu đơn vị, giá trị 10.259,2 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,3 triệu đơn vị, giá trị 375,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng được ngóng chờ sẽ trở lại dẫn dắt thị trường, nhưng phần lớn lực mua chỉ ở mức thăm dò, khiến hầu hết các mã trong nhóm này đã chững lại từ sớm.

Trong đó, CTG là cổ phiếu tăng tốt nhất +2,1% lên 31.800 đồng. Tiếp theo là BID +1,7% lên 39.450 đồng, TPB +1,3% lên 38.750 đồng, các mã TCB, STB, MBB, HDB, VPB, VCB chỉ tăng từ 0,9% đến 1,2%.

Ở những bluechip khác, lực đẩy đến từ VRE khi bật mạnh nhất trong rổ VN30 với mức tăng 4,9% lên 29.950 đồng, KDH +3,6% lên 42.700 đồng, MSN +2,3% lên 148.200 đồng. Các sắc xanh khác tại VJC, HPG, FPT, PLX với mức tăng khiêm tốn.

Ở chiều ngược lại, VIC là tác nhân kéo lùi VN-Index nhất, khi ‘đóng góp’ gần 3 điểm tiêu cực đến VN-Index, chốt phiên VIC -3,3% xuống 88.400 đồng. Cùng với đó là SAB -2,1% xuống 162.500 đồng và VHM -2% xuống 80.300 đồng.

Thanh khoản 3 bluechip HPG, VRE và VIC phiên này dẫn đầu nhóm và cũng là cao nhất HOSE, với 12,2 triệu, 10,68 triệu và 8,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên bảng điện tử, áp lực phân hóa mạnh, với nhóm xuất nhập khẩu QBS, FDC vững mức giá trần, trong khi AGM từ sắc tím bị chốt lởi và chỉ còn +2,9% lên 43.000 đồng.

Nhóm khoáng sản YBM và DHM, cùng các con sóng nhỏ lẻ gần đây là SJF, JVC, TDG, VSI, PLP, TEG, TCD, HVX duy trì được mức giá trần, với TCD khớp lệnh vượt trội với hơn 3 triệu đơn vị.

Giao dịch đáng kể nhất vẫn thuộc về TDH, khi khớp được hơn 2,29 triệu đơn vị, tăng hết biên độ +6,9% lên 10.800 đồng và đặc biệt là lượng dư mua giá trần lên tới hơn 20,85 triệu đơn vị.

Nhóm vận tải, cảng biển đồng loạt chìm trong sắc đỏ như TCO -2,5% xuống 31.200 đồng, VOS thoát giá sàn, nhưng vẫn -3,6% xuống 23.800 đồng, TMS -3,7% xuống 69.800 đồng, HAH may mắn chỉ giảm nhẹ 0,1% xuống 69.900 đồng.

Sóng APG cũng có dấu hiệu dừng lại, khi phiên này từ sắc xanh đã đổ đèo giảm xuống mức giá sàn, trước khi lực cầu nhập cuộc, kéo APG hồi phục, chỉ còn -2,3% xuống 28.000 đồng.

Cổ phiếu DGW cũng hạ nhiệt nhanh, sau 8 phiên gần nhất bốc đầu tăng mạnh đã giảm sâu 5% xuống 111.600 đồng, khớp gần 0,68 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu ngành dược SPM và VMD chính thức nằm ở mức giá sàn 26.550 đồng và 63.300 đồng, khối lượng giao dịch chỉ trên dưới 20.000 đơn vị khớp lệnh mỗi mã.

Trên sàn HNX, áp lực phân hóa mạnh cũng diễn ra, nhưng đà tăng mạnh của một số cổ phiếu lớn đã giúp HNX-Index có phiên tích cực từ sớm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 96 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 3,45 điểm (+0,98%), lên 354,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 102,85 triệu đơn vị, giá trị 2.009 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,46 triệu đơn vị, giá trị 139 tỷ đồng.

Sức bật đến từ SHB +2% lên 26.100 đồng, IDC +3,8% lên 45.900 đồng, TNG +4,5% lên 32.700 đồng, PLC +2,7% lên 41.800 đồng, IDJ +5,8% lên 25.700 đồng, TAR +4,6% lên 22.700 đồng.

Trong khi các mã giảm đều chỉ là các mã nhỏ DST, ACM, MBG, KVC, TTH, VIG và áp lực chốt lời từ BII, khi từ sắc tím đã -1,9% xuống 30.400 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa và sau đó đã nhích dần lên, nhưng đà đi lên bị hạn chế khi nhiều cổ phiếu hạ dần độ cao.

Cặp cổ phiếu nhỏ KHB và KSH phiên này dẫn đầu khối lượng khớp lệnh với 9,32 triệu và 4,94 triệu đơn vị, với KHB +7,3% lên 8.800 đồng, KSH +2,3% lên 4.400 đồng.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,1%), lên 95,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,76 triệu đơn vị, giá trị 1.130,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,76 triệu đơn vị, giá trị 51,9 tỷ đồng.

Tin bài liên quan